Dù không trực tiếp làm công việc giáo dục học sinh như nhà trường, như các thầy cô giáo nhưng Báo Giáo dục TP.HCM đã thầm lặng đóng góp rất lớn cho sự nghiệp giáo dục của thành phố nói riêng và cả nước nói chung trong 1/4 thế kỷ qua. Tờ báo xứng đáng là “người bạn đồng hành” cùng giáo viên, học sinh, phụ huynh và bạn đọc về công việc trồng người…
Tác giả bài viết trong vai ông đồ trong một tiết ngoại khóa về Tết cổ truyền của dân tộc
Chất lượng ngày càng được cải thiện
Tôi được cộng tác với Báo Giáo dục TP.HCM ngay từ những năm đầu báo thành lập. Tôi viết bài, làm thơ (trước đây báo có chuyên mục về thơ) và cũng có thời gian làm biên tập. Tính từ những bài viết đầu tiên, đến nay ước chừng đã gần 20 năm cộng tác với báo, số lượng bài viết ước chừng khoảng trên 400 bài về nhiều thể loại… Được cộng tác với báo lâu dài như vậy, tôi vui mừng thấy báo ngày một cải thiện, phát triển về nhiều mặt, đạt được chiều sâu về nội dung lẫn số lượng xuất bản. Đối tượng người đọc của báo cũng mở rộng ra nhiều địa phương trên cả nước. Nhớ ngày nào phòng ốc làm việc của tòa soạn khá sơ sài, chật chội, nóng nực. Việc xuất bản cũng khá nhiêu khê, vì phải sửa bài viết bằng tay, việc nhập liệu cũng lắm vất vả. Thì nay báo đã “lột xác” nhiều!
Quan tâm nhiều về báo chí, tôi thấy Báo Giáo dục TP.HCM là một trong những tờ báo ngành trụ được chỗ đứng trong lòng người đọc nhiều nhất kể cả báo in cho đến online. Nhận xét riêng về báo in, tôi thấy việc biên tập rất chặt chẽ; kiểu chữ, hình ảnh, màu sắc, cách bài trí các trang báo đều rất đẹp mắt. Cứ những ngày đến trường mà thấy có tờ báo nằm trên bàn ở phòng giáo viên là như có một niềm vui nho nhỏ trong công việc. Cứ mỗi dịp lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, mà cầm được tờ báo chuyên san trên tay là được thấy thêm tình yêu nghề, công việc dạy học của giáo viên cũng thêm phần ý vị…
Mong báo được cải thiện nhiều hơn
Đạt được những bước tiến trên, chúng tôi nghĩ là nhờ sự chung sức chung lòng của cả tập thể báo, nhờ tư duy đổi mới đột phá, chiến lược của Ban Biên tập. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về báo chí như hiện nay, thiết nghĩ Báo Giáo dục dù đã tốt rồi song cần phải được đổi mới để tốt nhiều hơn nữa. Đó là, cần đa dạng hơn về nội dung, chẳng hạn tổ chức và đưa thêm các cuộc thi (nghiên cứu, sáng tạo, dạy học) vào báo để lôi cuốn các trường học tham gia. Thêm các trang với nội dung “teen” hơn để lôi cuốn độc giả là học sinh, vì khi báo về trường nhiều học sinh chưa “mặn mà” với báo. Cũng có thể mở thêm các chuyên mục thi đố em, cuộc thi sáng tác… để tương tác nhiều hơn với đối tượng học sinh. Ngoài ra, báo cũng nên được kết nối nhiều hơn với bạn đọc trong cả nước, phản ánh nội dung ở phạm vi rộng hơn như hiện tại.
Nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập báo, tôi kính chúc báo ngày càng phát triển. Và để kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, xin gửi tặng lại quý thầy cô giáo bài thơ tôi viết trên báo trước đây nhân dịp Tết nhà giáo và đã đề tặng cố GS.NGND Lê Trí Viễn:
Có chắc gì đâu…,
khi cụ Nguyễn viết Kiều
Ba trăm năm sau ai người khóc mình, lòng còn trăn trở?
Thân mười lăm năm nổi trôi, Kiều còn bao tâm sự…
Ai hiểu bằng “người trong cuộc” với nhau?
Đau lắm Tố Như ơi! Kiều thịt nát thân nhàu…!
Cả thời đại nghiêng đổ thân nàng xuống mồ Tiền Đường tang tóc
Tuy người trước người sau nhưng cùng nỗi đau… đã có ngày gặp mặt…
Hể hả cười giữa phiên tòa báo oán báo ân!
Cái kiếp “thân lươn” Kiều rũ sạch rồi
Tố Như cũng có người đã khóc…
Riêng mình thầy thừa một đời bạc tóc
Bởi vẫn thấy thiếu hoài dù chỉ giảng một câu thơ!
Trần Ngọc Tuấn
(giáo viên Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)