Do có biểu hiện giống như bệnh rôm sảy, phỏng, thủy đậu nên nhiều người chẩn đoán sai bệnh chốc lây ở trẻ nhỏ. Trong lúc đó, nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách, căn bệnh da liễu này có thể để lại biến chứng khó lường.
Trẻ bị bệnh chốc lây (ảnh do BV cung cấp) |
Ít ai nghĩ rằng, bệnh chốc lây (còn gọi là ghẻ phỏng, bệnh chốc) sau một thời gian phát triển sẽ gây ra biến chứng viêm cầu thận, chàm hóa cho trẻ nhỏ do người lớn quá chủ quan.
Một loại nhiễm trùng da
Đây là căn bệnh ngoài da nên bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể “vướng” vào nếu vệ sinh yếu hoặc bị nhiễm từ trẻ khác. Đó là trường hợp của bé Bích Ngọc, SN 2013 con của chị Hồng Ngọc ngụ ở P.Tây Quy, Q.7, TP.HCM. Theo lời kể của chị Ngọc, trong một lần lau mặt cho con gái 4 tuổi chị phát hiện cháu có mụn nước nổi ngay bên miệng. Tuy có lo lắng nhưng chị nghĩ đó là nốt đỏ do muỗi hoặc loại côn trùng nào cắn. Nào ngờ sau 3 ngày mụn nước lan rộng sang chỗ khác gần mũi và hai bên má. Triệu chứng kèm theo cháu còn bị sốt nhẹ, bỏ ăn và hay quấy khóc. Được người nhà trong ngành y tư vấn, chị đưa bé đến BV Da liễu TP.HCM. Tại đây, chị được BS xác định cháu bị bệnh chốc lây cần điều trị nội khoa bằng thuốc uống và bôi ở ngoài da. Sau một liều thuốc 5 ngày các mụn nước bắt đầu “chín” hẳn và không còn “nhảy” thêm nhiều như mấy ngày trước nữa. Chị Ngọc kể: “Hồi nào tôi chỉ biết mấy bệnh rôm sảy, phỏng rạ, thủy đậu, trái rạ chứ đâu có hay có bệnh này đâu. Chính vì thế khi đứa con gái lớn bị chốc lây tôi cứ tưởng mấy mụn nước nổi vài ngày rồi sẽ khỏi, ai ngờ bệnh cũng nguy hiểm không kém”. Chị Ngọc cảm thấy gia đình còn may mắn vì nghe BS cho biết nếu để lâu ngày chữa trị không hết cháu sẽ bị biến chứng viêm cầu thận.
BS Nguyễn Kim Khoa – BV Da liễu TP.HCM cho biết, chốc là tình trạng nhiễm trùng cạn trên bề mặt bên ngoài của da với các triệu chứng rất dễ thấy bằng mắt thường. Biểu hiện bệnh đầu tiên là những nốt đỏ trên da mặt, tay chân sau đó “lớn dần” thành mụn hay bỏng nước rồi tự bể ra. Khi bị vỡ nước, bọng mủ chảy ra có màu vàng như màu mật ong, bề mặt có màu đen. Đây chính là “tín hiệu” đặc biệt của chốc lây để giúp các ông bố bà mẹ phân biệt căn bệnh này vốn các bệnh khác có “ngoại hình” tương tự. Theo ông Khoa, chốc lây là một bệnh da nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra và thương tổn cơ bản. Vi khuẩn bao gồm tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn nhóm A gây ra. Bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ hoặc từ bé này sang trẻ khác, vì vậy bệnh còn được gọi là chốc lây. Vì thế bệnh chốc lây rất nguy hiểm. Nếu điều trị không kịp thời nó sẽ lan rộng toàn cơ thể gây khó chịu và đau đớn cho các bé nhất là trẻ còn ở độ tuổi mầm non, tiểu học.
Giữ sạch hàng ngày
Bệnh chốc lây có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 90% là các bé tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Trên thực tế phụ huynh rất hay nhầm lẫn giữa bệnh chốc và bệnh thủy đậu. Nếu được chẩn đoán sớm và xử trí đúng, bệnh cải thiện nhanh, khỏi và không để lại sẹo, ngược lại bệnh có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. |
Bệnh chốc lây có thể để lại thẹo cho trẻ nếu lan rộng ở mức độ nặng. Tuy nhiên do da trẻ nhanh phục hồi nên ở mức độ nhẹ thì các “dấu vết” của chốc lây cũng sẽ tự biến mất theo năm tháng. Điều đáng lo hơn cả là biến chứng của căn bệnh ngoài da này có thể tấn công vào lục phủ ngũ tạng để phá hoại một số cơ quan bên trong của cơ thể trẻ. Vì thế trẻ bị chốc lây có thể trở thành bệnh nhân của bệnh viêm cầu thận hoặc bệnh thấp khớp về lâu về dài mà ít ai tưởng tượng được. Ngoài ra bệnh còn làm cho trẻ chốc loét nặng nề và cả chàm hóa.
Con đường điều trị chốc lây cũng giống như các bệnh da liễu khác đó là dùng kháng sinh tại chỗ hay toàn thân tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Thuốc tím sát khuẩn có thể trở thành rào chắn vững vàng cho bé nếu chốc lở còn thiếu sức kháng cự. Khi chốc lở khỏe mạnh, lan rộng khắp cơ thể thì phải dùng thuốc uống như một cách “lấy độc trị độc”. Dù điều trị bằng cách nào chúng ta cũng phải kiên trì theo đuổi đến nơi đến chốn để trị tận gốc trốc tận rễ không cho các vi khuẩn ngóc đầu dậy. Nếu điều trị nửa vời theo kiểu “hạt muối bỏ biển” thì không đủ “đô” để diệt tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn.
BS Phạm Đăng Trọng Tường – BV Da liễu TP.HCM khuyên, biện pháp tốt nhất để ngăn chặn bệnh là luôn để cơ thể trẻ được thoáng mát: nơi ở rộng rãi, quần áo vải mỏng thấm mồ hôi, tránh hở da nhiều làm phát sinh bệnh và lây lan. Bảo vệ da không bị xây xát. Cha mẹ nên dạy trẻ chơi ở chỗ sạch, tránh bụi, tránh chơi gần các vật cứng nhọn, hạn chế chơi gần vật nuôi, tránh côn trùng. Giữ cho da trẻ sạch sẽ, tắm rửa thường xuyên, tắm cho trẻ bằng nước sạch. Thay và giặt sạch quần áo mỗi ngày, cắt tóc, cắt móng tay. Uống đủ nước, nước trái cây và ăn rau xanh.Tránh ở lâu những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng, để côn trùng đốt.Điều trị sớm và tích cực, không gãi vì dễ gây biến chứng. Ở trường học, khu dân cư nên tìm cách cách ly bệnh nhi để tránh lây sang bé khác.
Hương Thủy
Bình luận (0)