Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tạo giống bò thịt đặc thù

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu bò Úc về vỗ béo, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cả về chất lượng và sản lượng. Tuy nhiên, do có nhiều doanh nghiệp cùng nhập về nuôi, lợi nhuận từ bò thịt giảm xuống đáng kể do cạnh tranh giá. Đây là lúc mô hình nuôi bò thịt cao sản nông hộ phát huy vai trò.

Lợi thế thị trường gần

TPHCM là thủ phủ và cũng là nơi sáng tạo ra mô hình bò sữa nông hộ để nhiều tỉnh nhân rộng, ngược lại với con bò thịt. Đến cuối năm 2016, TP có trên 142.800 con bò các loại; trong đó phần lớn là bò sữa, với hơn 89.600 con, còn lại là bò thịt và bò nuôi cho mục đích khác. So với nhu cầu tiêu dùng thịt hàng ngày của người dân thì lượng bò thịt nuôi tại TP không đáng kể. Nhu cầu về thịt gia súc ở TPHCM, chủ yếu là thịt bò, khoảng 760 con/ngày (tương đương 30.500 tấn thịt), phần lớn là từ các tỉnh giết mổ đưa về. Với dân số tăng nhanh do tăng cơ học và lượng khách vãng lai rất lớn, nhu cầu sử dụng thịt càng nhiều hơn. Theo Viện Dinh dưỡng trung ương, mỗi người dân có nhu cầu thịt các loại từ 1,5 – 2 kg/tháng; khi kinh tế phát triển, tỷ lệ sử dụng thịt bò còn tăng nhiều hơn các loại thịt khác.

PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng dù không có lợi thế về đồng cỏ, nhưng Việt Nam vẫn có thể phát triển chăn nuôi bò nhờ nguồn thức ăn phong phú từ các phụ phẩm như rơm, bắp, bã mía…, lên đến 70 triệu tấn/năm hiện đang phải đốt bỏ. Bò không cần chăn thả mà sẽ được nuôi bằng thức ăn tinh để tăng hiệu suất chuyển hóa thức ăn, rút ngắn thời gian nuôi và có giá thành phù hợp. Chủ trang trại Võ Quan Huy, một trong những người đi đầu trong việc nhập khẩu bò Úc về nuôi vỗ béo, cho biết nếu nông hộ nuôi bò thịt từ con giống cao sản, sẽ đủ khả năng cạnh tranh với bò ngoại nhập khẩu. Được biết, với các trang trại lớn hay doanh nghiệp nhập khẩu bò về nuôi vỗ béo, để có lời thì mỗi con bò thịt phải tăng trọng 1,1kg/ngày. Thời kỳ hoàng kim từ việc nhập khẩu bò thịt về vỗ béo không còn. Đồng quan điểm này, chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền, chủ vườn lan Huyền Thoại (huyện Củ Chi), chia sẻ từ những năm 2007, gia đình chị đã nuôi bò lai hướng thịt với 2 trại nuôi ở xã An Nhơn Tây và xã Nhuận Đức (hơn 400 con bò). Chị đã dành hẳn 5ha để trồng cỏ. Điều chị băn khoăn hiện nay là việc nhập khẩu bò ngoại về để vỗ béo và giết mổ ngày càng nhiều, nên giá bò thịt trên thị trường giảm dần, tỷ suất lợi nhuận giảm mạnh, phải thu hẹp diện tích và tổng đàn. Nhưng theo chị Thanh Huyền, với hộ nuôi lấy công làm lời, nếu làm bài bản thì sẽ hiệu quả hơn với trại nuôi công nghiệp.

Nuôi bò thịt dạng nông trại. Ảnh: PHIÊU NHIÊN

Đầu năm 2016, TPHCM đã có chương trình phát triển đàn bò thịt phát triển song song với đàn bò sữa – đang ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với giá sữa ngoại và yêu cầu về chất lượng cũng nhưng việc siết chặt ký hợp đồng tiêu thụ (phải là hộ có tổng đàn 10 – 18 con trở lên). TPHCM khuyến cáo người nuôi bò sữa không đạt các yêu cầu về số lượng đàn, năng suất (dưới 17kg/con/ngày) nên chuyển sang nuôi bò thịt. Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi Nguyễn Văn Chệch, năm 2016 có hơn 1.200 hộ nuôi bò sữa chuyển sang nuôi bò thịt.

Hướng tới giống bò thịt đặc thù của TP

Việc nuôi bò thịt trong dân có từ lâu đời, nhưng do là bò vàng bản địa nên khó có thể cạnh tranh, vì trọng lượng bò thịt xuất chuồng để giết mổ quá nhỏ bé so với bò thịt nhập khẩu về vỗ béo. Vì vậy, phải biết ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới có thể cạnh tranh. Trước mắt, có hai hướng để nhân đàn bò thịt cao sản: Dùng tinh bò thịt cao sản nhập khẩu như Drought Master, Brahman, Red Angus, BBB (Blanc-Blue-Belgium) phối với bò cái lai Sind (bò nền tại chỗ); sử dụng bò sữa cái sinh sản nhưng năng suất sữa thấp để phối tinh bò thịt cao sản. Bò lai Sind địa phương nuôi trong 18 tháng chỉ đạt cân nặng 250 – 300kg/con, nhưng với bò được sinh ra từ việc phối tinh bò cao sản với bò sữa cái hay phối với bò lai Sind, cùng thời gian như vậy đạt 380 – 400kg/con. Với 2 chỉ số khối lượng và giá bán đã có sự chênh lệch khá lớn về lợi nhuận. Một hướng khác, những con bê sữa đực, khuyến khích người dân giữ lại nuôi làm bò thịt. Năm 2016, có khoảng 17.000 con bê sữa đực được các hộ giữ lại nuôi bò thịt thay vì bán thịt bê khi mới sinh.

Tại buổi hội thảo về các hỗ trợ kỹ thuật trong chăn nuôi và dinh dưỡng cho bò thịt, gia súc, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Lãnh sự quán Bỉ tại TPHCM tổ chức, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc sở, cho biết TPHCM đang triển khai chương trình phát triển giống bò thịt với mục tiêu: Phát triển giống bò thịt năng suất cao, cải thiện chất lượng đàn bò hiện hữu, phù hợp điều kiện chăn nuôi tại TP nhằm cung cấp con giống chất lượng tốt cho tại chỗ và khu vực, hình thành chuỗi chăn nuôi theo hướng liên kết, hợp tác với các tỉnh; các doanh nghiệp TP cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, liên kết, hợp tác với các tỉnh phát triển chăn nuôi, mua lại nguồn thịt thương phẩm; xây dựng mô hình chăn nuôi giống bò thịt hạt nhân tại Công ty TNHH MTV Bò sữa TPHCM (huyện Củ Chi) và một số trang trại chăn nuôi bò thịt. Song song đó là các giải pháp về khoa học công nghệ, thú y, nhân lực, tổ chức sản xuất và xúc tiến thương mại: Trên cơ sở sử dụng nguồn thức ăn tại địa phương, xây dựng các khẩu phần ăn cho bò thịt phù hợp từng giai đoạn; khuyến khích sản xuất bò thịt theo phương thức trang trại, cơ giới hóa nhằm giảm công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận; xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò thịt đồng bộ theo hướng VietGAP; hình thành phương thức chăn nuôi theo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi…

Đến năm 2020, tổng đàn bò thịt cao sản của TPHCM là 30.000 con, cung ứng 10.000 tấn thịt hơi và 7.000 con bò cái giống cho người chăn nuôi tại chỗ và các tỉnh, khối lượng trưởng thành đạt 300 – 350kg/con, tỷ lệ thịt xẻ 50% – 55%.

CÔNG PHIÊN (SGGP)

 

Bình luận (0)