Trong bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ những kinh nghiệm làm bài câu đọc hiểu (phần 1) và viết đoạn văn ngắn (câu 1, phần 2) theo cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2017.
Trước khi làm bài thi, thí sinh phải phân tích kỹ đề để có cách làm đúng hướng. Ảnh: Anh Khôi |
“Mẹo” làm bài câu đọc hiểu
Sau khi đã nắm vững trọng tâm của câu đọc hiểu là nhận biết, thông hiểu, cần chú ý các bước kỹ năng sau:
Phân tích kỹ đề để có cách làm bài đúng hướng và hiệu quả. Trước hết phải đọc thật kỹ văn bản (VB). Xác định số câu hỏi, số vế trong từng câu hỏi, mức điểm từng câu, từng vế. Chú ý các từ “những”, “các” trong câu hỏi bao giờ cũng phải trả lời từ 2 ý trở lên. Lưu ý nhan đề VB (nếu có), các ghi chú liên quan đến VB (như tác giả, nguồn VB, năm ra đời, thường ở cuối VB). Xác định xem VB gồm bao nhiêu đoạn, thậm chí bao nhiêu câu. Phân tích sự liên quan của các câu hỏi, vì nhiều khi các câu hỏi sau là gợi ý phần nào cho ta trả lời những câu hỏi trước…
Để làm tốt phần nhận biết trước hết phải có kiến thức căn bản về tiếng Việt và VB nói chung. Phải có “cách” để phân biệt sự khác nhau giữa những kiến thức này. Vì thực tế học sinh thường lẫn lộn giữa các khái niệm (như về phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận…). Ví dụ về phương thức biểu đạt: Nếu ta gặp một VB mà ta thấy nó có đầu có đuôi câu chuyện, có nhân vật của câu chuyện, có thể tóm tắt được, thì đó là phương thức tự sự (kể chuyện). Tương tự như thế, VB bày tỏ quan điểm, chính kiến cá nhân về các vấn đề xã hội, chính trị, tư tưởng là thao tác nghị luận. Các phương thức còn lại cần xác định như: giàu cảm xúc của người viết, gây xúc cảm mạnh cho người đọc là phương thức biểu cảm; làm cho đẹp đối tượng là phương thức miêu tả; làm cho rõ đối tượng là phương thức thuyết minh… Cần chú ý là nhiều khi từ nhan đề, phần ghi chú cuối VB… có thể cho ta cơ sở để trả lời. Một mẹo nhỏ nữa là khi phân vân giữa hai phương án trả lời, thì nên trả lời cả 2 (nhưng không được quá nhiều phương án) cũng có thể được châm chước cho điểm.
Phần thông hiểu có các câu hỏi nêu nội dung, chủ đề, xác định bố cục, đặt nhan đề cho VB… Nên có yêu cầu cao hơn. Đặt nhan đề phải đảm bảo các tiêu chí: đúng trọng tâm VB, ngắn gọn, hay. Cơ sở để đặt nhan đề là: dựa vào chủ đề VB, dựa vào hình tượng trung tâm, ý nghĩa của VB, hoặc dựa vào phần ghi chú cuối VB, nhưng không được đặt trùng tên với phần ghi chú ở dưới… Có thể xác định nội dung, chủ đề VB bằng nhiều cách: dựa vào nhan đề (nếu có), dựa vào hình tượng trung tâm của VB. Cách tìm hiệu quả nhất là chia VB ra nhiều phần, ghi chú các nội dung, sau đó gộp các nội dung ghi chú ấy thành đoạn văn chủ đề. Xác định bố cục ý cũng có nhiều cách: dựa vào các đoạn (các phần) của VB; hay xác định số câu, tìm câu chủ đề của nhóm câu để chia ý thành nhiều đoạn. Câu hỏi xác định vị trí câu chủ đề thường gắn liền với thao tác lập luận (cách triển khai). Đề thi thường hỏi về các VB có câu chủ đề nằm đầu VB gọi là diễn dịch, cuối VB là quy nạp…
“Bí quyết” viết đoạn văn ngắn
Câu hỏi yêu cầu viết đoạn văn thuộc phần vận dụng (thấp). Tùy theo cách hỏi của đề bài để trả lời cho phù hợp. Nếu đề trích một phần VB và yêu cầu bày tỏ suy nghĩ thì lấy phần trích ấy làm phần chủ (mở đoạn) rồi triển khai thành đoạn. Nếu đề cho nghị luận về ý nghĩa rút ra từ VB thì phải xác định cho đúng chủ đề, nếu không sẽ bị lạc đề. Thay vì bài văn có ba phần (mở – thân – kết bài) và nhiều đoạn, thì đoạn văn cũng có ba phần: mở đoạn – triển khai – kết đoạn, nhưng chỉ viết một đoạn. Mở đoạn nên giới thiệu trực tiếp; phần triển khai đoạn cần vận dụng kết hợp các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ…; phần kết đoạn phải cho người đọc thấy được suy nghĩ, nhận thức của người viết.
Dù là viết đoạn văn ngắn nhưng cần thấy rằng đây là kiểu bài nghị luận xã hội, nên cần chú ý đến 2 yêu cầu sau: vốn sống xã hội và sự sáng tạo của người viết.
Vốn sống xã hội là nguồn dẫn chứng phong phú cho bài làm. Chiều sâu vốn sống xã hội giúp cho bài làm có giọng điệu riêng, quan điểm, chính kiến riêng, tự tin và chín chắn – đây là yêu cầu cao nhất của viết đoạn văn. Để có kiến thức xã hội cần tập một thói quen quan sát, ghi nhớ. Nên theo dõi thông tin thời sự qua tin tức báo đài hàng ngày. Từ đó tập thói quen suy ngẫm, bàn luận về nó. Cần chia nguồn dẫn chứng phong phú này thành từng chùm đề tài riêng. Ví dụ chùm dẫn chứng về mặt tốt/ xấu trong xã hội, về nghị lực vươn lên trong cuộc sống, về việc học, về trách nhiệm tuổi trẻ…
Yêu cầu về sự sáng tạo thể hiện ở bài viết có cách diễn đạt độc đáo như viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm… Bài viết thể hiện được quan điểm riêng, thái độ riêng, giọng điệu riêng sâu sắc. Hoặc tạo ra tình huống có tính tranh luận, phản biện cao… làm cho giám khảo chấm bài mà như đang tham gia vào quá trình tranh luận ấy.
Trần Ngọc Tuấn
(Giáo viên Trường
THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)