Năm nay tròn 90 tuổi tuy tai nghe không rõ, mắt mờ dần nhưng hàng ngày ông Nguyễn Chí Thân vẫn cảm nhận được hạnh phúc của một gia đình con cháu thành đạt từ người vợ hiền và những đứa con hiếu thảo.
Vợ chồng ông Thân – bà Thiện luôn hạnh phúc bên nhau |
Có lẽ đó cũng chính là liều thuốc tinh thần vô giá mà không tiền nào mua được để tuổi già của người cán bộ lão thành 70 tuổi Đảng vẫn vững như cây bách cây tùng qua hai cuộc kháng chiến.
Vợ chồng người cán bộ ngoại giao
Ngôi nhà của đôi vợ chồng già ông Nguyễn Chí Thân và bà Ngô Thị Bích Thiện trong con hẻm 31 đường Đồng Xoài, P.13, Q.Tân Bình luôn sạch sẽ ngăn nắp và đầy ắp tiếng cười. 70 năm đi theo cách mạng và hiến trọn cả tuổi thanh xuân cho công việc, khi về già quý giá của ông bà không phải là tiền bạc mà là sự thành đạt của cháu con.
Dù đã 77 tuổi nhưng bà Ngô Thị Bích Thiện vẫn khỏe mạnh, tươi trẻ phảng phất thời thiếu nữ Hà thành cách đây nửa thế kỷ. Trong lúc mọi người trò chuyện với chồng, bà nhanh nhẹn rót nước mời khách với nụ cười thân thiện như chính tên ông bà: “Dù gian khổ để nuôi dạy 3 mặt con nhưng tôi thấy vợ chồng mình vẫn còn may mắn hơn những gia đình khác vì trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh thì tôi lại theo ông ra nước ngoài công tác”. Theo lời kể của bà, đó là vào năm 1960, sau khi chàng trai Nam bộ kết duyên với cô gái Hà Nội cả hai sang Liên Xô công tác. Dù lãng tai nhưng nghe giọng nói của người vợ gần 60 năm gối ấp tay kề, ông Thân vẫn hiểu được câu chuyện nên tiếp lời: “Đó là năm tôi làm công tác ngoại giao ở Bộ Ngoại giao nên sang Liên Xô đến 3 nhiệm kỳ trong 11 năm”. Hơn 10 năm gắn bó với xứ sở bạch dương, người cán bộ ngoại giao năm nào vẫn nhớ như in những kỷ niệm một thời đối ngoại với bạn bè quốc tế ở chính trường. Cột mốc không thể nào đôi vợ chồng ông quên được là năm 1962, họ sinh đứa con gái đầu lòng tại Nga. Một cảnh hai quê nên ông bà quyết định đặt tên cháu là Song Hương với ý nghĩa là đứa trẻ có hai quê hương. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là mới sinh cháu được 4 tháng thì cả gia đình được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nga: “Sau khi hỏi chuyện xong biết vợ tôi mới sinh bé gái, Bác Hồ hỏi thăm và đòi đưa cháu bé vào để xem mặt. Khi nghe tên cháu, Bác Hồ giải thích với mọi người: “Song Hương là hai quê hương Việt Nam và Liên Xô. Hai quê hương dù xa vạn dặm nhưng vẫn gần vì tình cảm thắm thiết như anh em một nhà”. Lúc đó vợ chồng tôi mới càng hiểu hết ý nghĩa tên đứa con gái mà chúng tôi đặt, coi cháu là cầu nối tình cảm giữa hai đất nước vì Song Hương lớn lên trên nước bạn ngay từ bé”.
Tâm sự cố hương
30 năm xa gia đình, nhưng hình bóng quê hương Nam bộ vẫn canh cánh trong lòng ông. Ông chỉ biết gửi gắm tâm sự cố hương vào tên 3 đứa con: Song Hương, Hoài Nam, Tiền Giang như để vơi đi nỗi nhớ mong trong những tháng ngày đợi chờ thống nhất và sum họp. |
Sinh năm 1928, chàng trai Nguyễn Chí Thân sớm giác ngộ cách mạng. Tội ác của bọn thực dân trên quê hương dòng sông Tiền đã hun đúc ngọn lửa căm thù của bà con Gò Công trong đó có gia đình cậu bé Thân. Sau khi thoát ly gia đình, do biết chữ nên Nguyễn Văn Tốt (bí danh của ông Thân) cùng với ông Đỗ Tấn Huỳnh được phân công về Ty Công an tỉnh để làm văn thư và đánh máy chữ ở bộ phận văn phòng. Để trốn tránh sự kiểm soát gắt gao của quân thù, Ty Công an phải bí mật chuyển sang cù lao 6 xã Phú Thành Đông (nay là cù lao Tân Phú Đông) trong huyện. Tích cực hoạt động, được các chú các anh tin tưởng năm 20 tuổi chàng trai xóm Rạch Kiến, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây được kết nạp vào Đảng. Sau ngày hòa bình lập lại, cùng với những chuyến tàu tập kết, Tư Tốt tạm xa quê hương theo anh em ra Hà Nội để làm hạt giống đỏ về sau cho cách mạng miền Nam. Chính trong thời gian ở Bộ Ngoại giao, tình yêu của chàng trai Nam bộ đã nảy nở với cô gái thủ đô với bao lời thề chung thủy. May mắn được công tác chung cùng cơ quan nên cô kế toán của Bộ Ngoại giao có điều kiện “nâng khăn sửa túi” nhiều hơn cho chồng. Thế nhưng như tâm sự của bà Bích Thiện, không phải lúc nào cũng có ông bên cạnh để chăm sóc 3 đứa con nhất là 15 năm sau ông còn có thêm thời gian làm công tác ngoại giao ở Angiêri nên bà phải tự lo liệu tất cả: “Vất vả nhất là thời kỳ gia đình chúng tôi đi sơ tán mạn Thái Nguyên. Lúc đó các cháu còn nhỏ ngoài bom đạn một mình tôi còn lo chăm con nhưng may có anh em bên ngoại giúp một phần nên cũng đỡ”. 30 năm xa gia đình, nhưng hình bóng quê hương Nam bộ vẫn canh cánh trong lòng ông. Ông chỉ biết gửi gắm tâm sự cố hương vào tên 3 đứa con: Song Hương, Hoài Nam, Tiền Giang như để vơi đi nỗi nhớ mong trong những tháng ngày đợi chờ thống nhất và sum họp.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Bình luận (0)