Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Bà đỡ” bên dòng Bến Hải

Tạp Chí Giáo Dục

Ngót 15 năm nay, ngoài công tác ở trạm y tế và bổn phận của người con dâu hiếu thảo, người vợ hiền đảm đang, chị lặng lẽ chăm nom một cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Với chị, đó không chỉ là niềm cảm thông mà sâu thẳm trái tim mình, chị coi cụ già ấy như một người mẹ. Chị là Đoàn Thị Nhung, ở xã Vĩnh Nam (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị).

15 năm nay, chị Đoàn Thị Nhung dù rất bận vẫn dành thời gian chăm sóc bà Nguyễn Thị Xu

1.Tôi kịp gặp chị Nhung vào một ngày đầu tháng ba, khi chị đang chuẩn bị hành lý dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội. Đón khách tận ngõ, chị cười thật hiền: “Mùng 7 này chị được ra thủ đô tham dự đại hội rồi, hôm kia chị cũng đã viết tham luận để đọc khi ra dự nhưng chị đang rất ngại, dù răng chất giọng quê mình nghe cũng nằng nặng, không biết đọc lên thế nào”. Nói rồi, chị lật tờ giấy kẻ ô ly chi chít chữ. 30 năm công tác ở miền quê lũy thép này, chỉ gói gọn trong vài trang giấy nhưng đọc và ngẫm mới thấy rằng những gì chị làm được là cả một câu chuyện thật dài, thật cảm động.

Chị khiêm tốn khi nói về mình: “Chị làm mọi việc cũng bình thường như bao người khác thôi. Mình chỉ làm tròn bổn phận của người mẹ, người vợ, người con dâu và bà con lối xóm khi tắt lửa tối đèn có nhau!”. Chị Nhung tốt nghiệp Khoa Nữ hộ sinh, Trường Trung cấp Y Huế năm 1986. Ra trường, chị được nhận vào làm việc tại Trạm y tế xã Vĩnh Nam. Chị kể, hồi ấy công việc ở trạm y tế xã không phải như bây giờ mà hầu như lúc nào cũng bận rộn, nhất là việc khám chữa bệnh cho người già, trẻ nhỏ thường bị ốm đau các loại bệnh thông thường như sốt, nhức đầu, sổ mũi và kể cả việc đỡ đẻ cho các chị em nên hầu như không có thời gian dành cho riêng mình. Ngay cả khi vừa sinh con được 4 tháng, chị phải bắt tay trở lại ngay với công việc. “Hồi đó nhiều lúc đi làm về tới nhà đã 9, 10 giờ đêm. Thế mà vừa bưng bát cơm lên chưa kịp ăn thì đã có người gọi đi… đỡ đẻ! Cũng có khi đang yên giấc, hai ba giờ sáng lại bị gọi tiếp… Thế là vội vàng xách y cụ để chạy theo họ. Vất vả nhưng cứu người là cấp bách, mình phải ưu tiên trước nhất”, chị nói. “Bây giờ đời sống bà con khấm khá hơn, cơ sở vật chất, trang thiết bị y học cũng được đầu tư hiện đại nên bà con ít đến trạm y tế như xưa. Nhất là việc sinh nở, các chị lên các tuyến trên. Mặc dù vậy, với công tác mình vẫn phải tận tâm, tận tụy và tận tình. Nghề nào cũng đòi hỏi ở người ta đức tính đó nhưng với nghề y, điều đó phải đặt lên hàng đầu, không được lơ là, chủ quan”. Chị bảo, tuy công việc có phần đỡ nhọc nhằn hơn trước nhưng đôi khi vào mùa vẫn đầu tắt mặt tối với nhiều đầu việc cần làm như phòng chống dịch bệnh, phòng chống lao, da liễu, cao huyết áp, phòng chống suy dinh dưỡng, truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng… Với vai trò là trạm phó, với hàng chục đầu việc không tên nên hầu như không khi nào rời công sở sớm.

Rời Vĩnh Nam vào một buổi chiều muộn, đi giữa những vườn cây trái xanh tươi đầy sức sống, hình dung về mảnh đất lũy thép bên giờ vỹ tuyến từng một thời bị bom đạn cày xới, chợt nghĩ về tấm lòng của người nữ cán bộ y tế giữa đời thường. Chị xứng đáng là bông hoa làm đẹp cho đời…

2.Bận rộn là thế nhưng suốt mấy chục năm qua, chị vẫn làm tròn bổn phận người mẹ, người vợ, nàng dâu và tấm lòng tốt đối đãi với bà con lối xóm. Năm trước, chồng chị là anh Lê Quang Thái đang làm nghề thợ mộc, trong lúc đang lợp giúp mái nhà cho người hàng xóm để cùng đón Tết thì không may trượt chân ngã. Cú ngã đó khiến anh gãy cả hai tay, hai chân và chấn thương cột sống. Sau hơn hai tháng điều trị trở về, từ đó đến nay anh vẫn tiếp tục tập tễnh bằng nạng. Cuộc sống gia đình với ba đứa con đang ăn học, người chồng bệnh và người mẹ già đã 95 tuổi dồn cả lên vai chị Nhung.

Không chỉ vậy, bà con lối xóm ở Vĩnh Nam còn biết đến chị Nhung như người hàng xóm tốt bụng. Suốt 15 năm nay, chị lặng lẽ chăm nom, giúp đỡ cho cụ bà hàng xóm neo đơn tên Nguyễn Thị Xu (81 tuổi). Chị chia sẻ với bà từng bát cháo, tô canh. Thi thoảng đi làm về, chị tạt ngang nhà giúp cụ những công việc vệ sinh cá nhân, cơm nước. Hỏi chị về việc làm của mình, chị cười hiền, bảo: “Tôi giúp bà vì thương bà tuổi già côi cút. Cứ nghĩ bà cũng như mẹ của mình, nay sức yếu không ai chăm sóc cũng thấy chạnh lòng nên giúp bà được chừng nào hay chừng ấy. Vả lại, câu chuyện cuộc đời bà cũng khiến mình cảm động lắm. Được sống như hôm nay, phải nhớ đến sự hy sinh lặng thầm của những con người như bà ấy”. Chị Nhung kể, bà Xu thời trẻ từng là thanh niên xung phong. Bà từng có chồng nhưng không có đêm tân hôn bởi chồng bà lúc ấy là bộ đội. Cưới xong chưa kịp sống với nhau bữa nào, chồng bà phải trở lại nơi chiến đấu thực hiện nhiệm vụ. Bà Xu mòn mỏi đợi chồng suốt 25 năm bặt tin tức. Ngày nhận được chiếc phong bì ghi tin tức về chồng thì đó cũng là ngày bà nhận giấy báo tử cho người chồng đi mãi không về. “Trong thâm tâm, tôi coi bà như mẹ mình nên dù rất bận cũng sắp xếp thời gian chăm sóc bà”, chị Nhung bộc bạch.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Bình luận (0)