Giáo dục TP.HCM số ra ngày 13-3 có bài viết rất bổ ích của ThS. Triệu Thị Huệ (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) nhan đề Kỹ năng viết bài nghị luận văn học.
Khi làm bài văn nghị luận, thí sinh chú ý dẫn chứng các thí dụ có trong thực tiễn cuộc sống. Ảnh: Anh Khôi |
Bài viết nêu một số kỹ năng cần thiết để viết một bài nghị luận văn học hay như xác định khía cạnh cụ thể mà đề yêu cầu, xác định những đoạn trích phù hợp, đặc sắc, nêu được vai trò, vị trí của đoạn trích (theo đề), biết nhận xét, đánh giá xác đáng vấn đề mà đề đặt ra… Những nội dung này rất cần thiết cho học sinh (HS) khi làm bài, và cũng là điều mà các giáo viên quan tâm khi dạy HS về viết nghị luận trong môn ngữ văn. Ở bài viết này, chúng tôi muốn nêu thêm những vấn đề mang tính khái quát về văn nghị luận, là những gợi ý để các giáo viên quan tâm thêm trong quá trình truyền đạt phương pháp và kỹ năng viết văn nghị luận cho HS.
Xác định rõ yêu cầu của loại văn nghị luận
Một số tài liệu ghi nhận, nghị luận là thể loại văn học dùng lý lẽ, phán đoán để bàn luận về một vấn đề xã hội, một tác phẩm văn học hoặc một đoạn trích. Vấn đề được đưa ra như một câu hỏi cần có giải đáp, luận bàn đúng sai, hay dở, lý do của các đánh giá đó, khẳng định, làm rõ, bác bỏ các vấn đề để giúp cho người đọc nhận ra được chân lý, đồng tình và chia sẻ quan điểm với mình. Sức mạnh và sự hấp dẫn của văn nghị luận là sự sâu sắc của tư tưởng, tình cảm để trình bày, sự thuyết phục của lập luận, sự đặc sắc của các dẫn chứng, cũng như được trình bày bằng lời văn trau chuốt, được gọt đẽo cẩn thận.
Chẳng hạn, trong một bài văn nghị luận văn học, thí sinh phải nắm chắc tư tưởng, giá trị của tác phẩm, dù chỉ qua đoạn trích và nhất thiết không tách đoạn trích hoàn toàn ra khỏi tác phẩm; từ đó dùng lý lẽ để phân tích cái hay về tư tưởng, tình cảm, ý tứ, nghệ thuật của tác phẩm đó bằng vốn kiến thức về lý luận văn học phù hợp. Ở một bài văn nghị luận xã hội, thí sinh phải đặt mệnh đề cần làm rõ, phân tích vào bối cảnh xã hội hiện tại, dùng lý lẽ để khẳng định đúng hay sai, hoặc có đúng có sai, bằng những lập luận vững chắc, những dẫn chứng cụ thể; nếu cần phải bác bỏ thì phải dùng phương pháp hợp lý và nêu thí dụ thuyết phục…
Chú ý cấu trúc của một bài nghị luận
Về chiều dọc, một bài nghị luận thường có 3 phần chính: phần mở đầu, có thể dùng lối nhập đề trực tiếp hoặc gián tiếp, dẫn dắt đến ý kiến đó, đồng thời định ra được hướng đi của mình, ủng hộ hay bác bỏ ý kiến đó, khen hay chê tác phẩm đó, ở những khía cạnh nào… Phần giải quyết vấn đề là phần chính của bài văn, phải lý giải được rõ ràng, cụ thể các vấn đề mình đặt ra nhằm ủng hộ hoặc bác bỏ quan điểm đó, từng khía cạnh cụ thể của khen hoặc chê (hoặc cả hai). Phần kết luận chốt lại bài văn, khẳng định dứt khoát quan điểm của mình, nhưng cũng có thể mở ra một số hướng khai phá mới.
Về chiều ngang, bài văn nghị luận gồm 3 phần chính: phần luận điểm, là những quan điểm chính của bài văn; chẳng hạn, với một mệnh đề là một ý kiến trong bài nghị luận xã hội, có 3 luận điểm lớn, trong đó 2 luận điểm ủng hộ ý kiến trên, 1 luận điểm còn băn khoăn hoặc có ý kiến khác; việc trình bày 3 luận điểm này nhất thiết phải tách bạch nhau, có thể ghi “một là”, “hai là”… hoặc “thứ nhất”, “thứ hai”… hoặc đơn giản chỉ là các đoạn khác nhau. Phần luận cứ, tức các căn cứ để đưa ra luận điểm, thực chất là những lý giải vì sao người viết đưa ra quan điểm đó, dựa trên cơ sở lý luận hoặc cơ sở thực tiễn nào; đây là sự “chẻ nhỏ” vấn đề ra thành từng phần nhỏ, từ đó khái quát thành vấn đề lớn. Phần luận chứng, là các chứng cớ thực tế dùng làm cơ sở cho lập luận, phải nêu ra những dẫn chứng phù hợp, có ý nghĩa trực tiếp lý giải cho từng luận cứ hoặc cho cả luận điểm.
Cần có những góc nhìn khác
Trong bài văn nghị luận phải dùng văn phong và ngôn ngữ phù hợp, cũng là điều mà giáo viên phải nhắc kỹ với HS! |
Có một số vấn đề chỉ nên có một góc nhìn và thí sinh phải nhất quán góc nhìn đó. Thí dụ, bình luận câu thơ của Tố Hữu “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” thì ở HS phổ thông, chỉ nên hướng góc nhìn sống cống hiến, để nhận những kết quả tích cực về cho bản thân và cho cộng đồng, xã hội. Nhưng nhiều trường hợp khác, giáo viên nên khuyến khích HS mạnh dạn có những góc nhìn mới mang tính phản biện mạnh mẽ, chứ không đóng khung, trên cơ sở lý lẽ phù hợp. Chẳng hạn với đề bài “Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về câu nói: “Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả”, trọng tâm là đồng tình với ý kiến này, phải khẳng định, làm rõ vai trò của việc học, nhưng cũng nên có những góc nhìn mới hơn. Đó là, thống nhất là phải có trồng cây thì mới thu được quả, nhưng có những trường hợp đã trồng nhưng vẫn không thu được quả, vì chọn sai giống, trồng cây ở điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp, trồng nhưng chăm sóc đầy đủ…, để nhấn mạnh đến việc học có mục tiêu, phương pháp, động cơ hợp lý, gắn với điều kiện cụ thể của từng cá nhân, ở từng hoàn cảnh gia đình, xã hội chứ không phải luôn giống nhau với mọi chủ thể, mọi hoàn cảnh…
Tìm những thí dụ minh họa phù hợp
Việc chọn những thí dụ minh họa có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nên tính thuyết phục của bài văn, đồng thời qua đó cũng cho thấy thí sinh có thực sự hiểu vấn đề hay không, có biết chọn lọc những luận chứng đắt giá hay không. Do đó, thí dụ trước hết phải là có thực, nếu giả định thì phải hợp lý, không phi thực tế; thí dụ phải gắn chặt với luận cứ, tức là làm rõ ngay cho luận cứ; tránh dùng thí dụ mang tính phủ định bởi sự phủ định thường không có ý nghĩa chứng minh thuyết phục (dễ sa vào lối ngụy biện). Chẳng hạn, trong nghị luận xã hội, các thí dụ phải có trong thực tiễn cuộc sống, có thể không chính xác hoàn toàn nhưng phải là điều có thật, được nhiều người biết đến, có như vậy mới khẳng định được lý lẽ của mình.
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)