Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tôi cho em “nợ” điểm

Tạp Chí Giáo Dục

Việc “hù dọa bằng điểm số” hầu như trường học nào cũng có, tùy mức độ nhiều ít khác nhau. Có giáo viên thường xuyên trả bài với những câu hỏi khó, tạo thành nỗi ám ảnh, sợ hãi và làm mất niềm hứng thú học bộ môn của học sinh. Có giáo viên thấy học sinh không thuộc bài khi kêu lên trả bài hoặc trả lời thẳng là quên học bài thì đã vội nổi nóng…

Thay vì tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân không học bài, không thuộc bài; tìm lời lẽ động viên hoặc khích lệ các em thì giáo viên đã vội vàng “kết tội” học sinh! Nào là làm biếng, nào là coi thường bộ môn, coi thường người dạy… Chưa hết, giáo viên còn dùng điểm số để cảnh cáo và thông thường là điểm 1, thậm chí điểm 0. Khi giáo viên gấp sổ kiểm tra cũng là lúc cả lớp thấy nhẹ cả người… vì mình vừa “thoát chết”.

Nếu bị điểm 1, điểm 0 thì bài tiếp theo phải đạt điểm 10 hoặc điểm 9 mới ra điểm 5 trung bình. Đó là điều rất khó cho học sinh. Con tôi ngày còn học lớp 10 cũng từng bị điểm 1 môn sinh học như thế. Nhìn điểm 1 màu đỏ nhọn hoắt, tôi có cảm giác như bị một mũi tên đâm thẳng, nghe buốt cả tim mình.

Dùng điểm số để “hù dọa” học sinh trong học tập, trong thi đua là chưa chuẩn về mặt sư phạm. Không những học sinh mất niềm tin vào bản thân, vào thầy cô, vào nhà trường mà còn sợ hãi khi phải học giờ đó. “Trường học thân thiện” là mỗi người trong tập thể sư phạm đó phải luôn biết cách điều khiển cảm xúc; luôn biết chia sẻ, thấu hiểu nhau trong giảng dạy, trong học tập, sinh hoạt. Mục đích cuối cùng là giáo viên cảm thấy hạnh phúc, thoải mái khi dạy xong bài và học sinh cảm thấy vui vẻ hơn, lớn lên thêm về nhận thức.

Tôi thỉnh thoảng cũng kiểm tra miệng (gọi lên bảng trả lời) để kiểm tra mức độ chuẩn bị bài, thái độ học tập của học sinh. Nhưng khi các em trả lời chưa trôi chảy, tôi gợi ý hoặc cùng các em trong lớp gợi ý cho bạn. Nếu trả lời tốt, học thuộc bài, nắm chắc kiến thức thì tôi ghi điểm cao. Nếu có tinh thần xung phong trả bài thì cộng thêm điểm.

Tôi không dùng điểm 1, điểm 0 để “bắt buộc” các em phải học môn của mình dạy. Càng không bao giờ cho điểm kiểu “khủng bố” để ép học sinh học thêm. Trong những trường hợp chưa thuộc bài, tôi cho các em “nợ” lại và lần sau “trả nợ”. Như vậy vừa có “lối thoát danh dự ”, vừa tạo động lực học tập cho các em. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”; mỗi học sinh có một hoàn cảnh riêng, không em nào giống hoàn cảnh em nào. Do đó, cần tìm hiểu hoàn cảnh mỗi học sinh để có sự xử lý hợp tình, hợp lý và mang tính giáo dục.n

Lam Sơn

Bình luận (0)