Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhà giáo phải là hình ảnh đẹp

Tạp Chí Giáo Dục

Một bản tin trên Vnexpress.net ngày 2-2 cho hay, Resa Woodward, 38 tuổi, giáo viên tại Trường Trung học Balch Springs dành cho nữ sinh ở Dallas (Mỹ) đã bị sa thải sau khi nhà trường nhận được tin báo rằng cô từng tham gia đóng phim khiêu dâm. Resa bị tố cáo từng là diễn viên phim khiêu dâm với tên Robyn Foster. Dù nói rằng bị người đàn ông sống cùng ép buộc, Resa cũng đã tham gia đóng 16 phim loại này từ năm 2001 đến 2004, trước khi trở thành giáo viên. Resa nói lãnh đạo Trường Trung học Balch Springs đã biết về quá khứ của cô, song nói rằng cô có thể làm việc miễn là cái tên “Robyn Foster” không bị phát hiện…

Chúng ta có thể có nhiều lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình về sự phục thiện của một người khi chọn một công việc nào đó, nhưng gần như nhiều người sẽ thống nhất rằng nghề giáo là một ngoại lệ. Dẫu ai cũng biết rằng “nhân vô thập toàn” nhưng nghề giáo rất khó chấp nhận có một người từng mắc sai lầm, từng có hành động sai trái hoặc không đẹp, nhất là liên quan đến đạo đức. Liệu có phụ huynh nào yên tâm gửi con cái cho một người mà mình biết rõ trước đây từng là trộm cắp chuyên nghiệp, từng tù tội do có nhiều hành vi bất hảo (chứ không phải do rủi ro, tai nạn)…, dù bây giờ đã hoàn lương? Chúng ta sẽ đặt ngay câu hỏi: “Người như vậy có tư cách gì mà dạy dỗ con tôi”, chứ ít quan tâm đến hiện tại họ ra sao, trình độ, năng lực thế nào, họ có được tín nhiệm hay bảo đảm của người có thẩm quyền không. Còn với người học, nếu biết thầy/cô của mình có tì vết gì đó hẳn giảm đi đáng kể sự tôn trọng, sự thuyết phục, từ đó không còn tin tưởng vào những gì người đó trình bày, giảng dạy nữa. Hoặc trước mặt thì dạ vâng nhưng sau lưng thì dễ dàng có lời bất kính, rồi tạo sự lây lan với người học khác cũng như lây lan đến các cảm nhận khác. Khi đó, cả người học và người dạy sẽ gượng gạo trước mặt nhau, việc dạy và học không có hứng thú, nhiệt tình nữa, dĩ nhiên không có kết quả tích cực.

Phần nhiều các trường hợp người thầy có quá khứ không hay gần như đã tạo ra một hình ảnh không đẹp với người học, phụ huynh và nhiều người khác nữa, nói chung là với dư luận. Có thể cho là dư luận có phần thiếu bao dung, khắt khe nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng nghề giáo là một nghề đặc thù, có sự khác biệt với nhiều ngành nghề khác. Người thầy không chỉ được đòi hỏi sự chỉn chu về mặt kiến thức, kỹ năng sống, mà còn có yêu cầu cao về mặt tư cách, nhận thức. Xã hội thường khó chấp nhận một người thầy chỉ giỏi nói lý thuyết suông mà không biết thực hành, không biết ứng dụng, không biết những kỹ năng sống cần thiết, cũng như không thể tôn trọng người thầy thiếu tư cách, đạo đức, như ăn nói bỗ bã, văng tục… Tức là, người thầy được yêu cầu là một hình ảnh đẹp cả về hình thức lẫn tâm hồn, cả bề ngoài lẫn bên trong. Điều đó thực ra là một mặc định có sự chọn lọc hợp lý của xã hội, chứ không phải một đòi hỏi quá cao hoặc vô lý. Các danh xưng như “kỹ sư tâm hồn”, “người trồng người”… là một sự đúc kết về vai trò và vị trí của người thầy trong xã hội. Để xứng đáng với các danh xưng” đó, người thầy phải luôn rèn luyện, cả về học vấn, phẩm cách, để không ngừng nâng cao khả năng truyền thụ và thuyết phục với người học, với phụ huynh.

Trúc Giang

Bình luận (0)