Tại cuộc họp lấy ý kiến các ban ngành về việc “Phát động phong trào đi bộ trên toàn địa bàn TP.HCM”, Ban ATGT TP cho biết sẽ tiến hành phát động phong trào đi bộ trên toàn địa bàn TP trong thời gian 3 năm. Theo đó, đảng viên, cán bộ công chức, công nhân, thanh thiếu niên, học sinh – sinh viên sẽ là những đối tượng được vận động tham gia trước tiên.
Học sinh từ lớp 1 trở lên nên đi bộ tới trường, vừa giúp tạo tính tự lập, vừa có ích về sức khỏe |
Vận động đi bộ ít nhất từ 300m đến 1km mỗi ngày
Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát động phong trào đi bộ trên toàn địa bàn TP sẽ được bắt đầu thực hiện ngay trong năm nay. Ông Đặng Kim Hùng (Chánh văn phòng Ban ATGT TP.HCM) cho biết thêm, vào tháng 4 hàng năm, Ban ATGT cũng sẽ tổ chức Lễ phát động “Ngày đi bộ” trên toàn địa bàn TP nhằm tuyên truyền, kêu gọi người dân TP tham gia tích cực hơn.
Theo đó, chương trình phát động sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn, trong thời gian 3 năm, từ năm 2017 đến năm 2020. Cụ thể, trong giai đoạn 1 (năm 2017), sẽ phát động phong trào đi bộ trên toàn địa bàn TP. Đồng thời tiến hành thí điểm tại quận 1 và quận 3, chú trọng vận động đảng viên, cán bộ công chức, công nhân, thanh thiếu niên, học sinh sinh viên tham gia trước tiên. Trong giai đoạn 2 (2018-2019), từ kết quả đánh giá sơ kết của giai đoạn 1, chương trình sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các điểm có tuyến xe buýt nhanh (BRT) và tuyến Metro đi qua trên địa bàn quận 1, quận 5 và quận 6. Giai đoạn 3 (2019-2020), chương trình sẽ được triển khai mở rộng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân TP. Sau năm 2020, sẽ thực hiện đại trà, lồng ghép với các hoạt động của cộng đồng, bằng phương thức gắn kết với thói quen đi bộ của người dân trên toàn địa bàn.
Ông Hùng lưu ý, song song với việc thực hiện chương trình “Đi bộ an toàn giai đoạn 2016-2020” tại các trường THCS và tiểu học trên địa bàn các quận huyện, và việc phát động chương trình đi bộ, Ban ATGT sẽ phối hợp với các ban ngành tiến hành xây dựng các phần mềm hỗ trợ, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chương trình đi bộ một cách cụ thể, nhằm tránh kiểu phát động mang tính phong trào. Theo Ban ATGT TP, việc các quận huyện nỗ lực lập lại trật tự lòng lề đường cũng là một trong những điều kiện rất thuận lợi cho công tác phát động phong trào đi bộ hiện nay. Hơn nữa, việc đi bộ không những đem đến những lợi ích về sức khỏe cho con người, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm TNGT trên địa bàn TP.
Đi bộ như thế nào tốt cho học sinh
Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, học sinh từ lớp 1 trở lên, nếu đoạn đường từ nhà đến trường dưới 2.000m, phụ huynh nên cho con đi bộ đến trường theo cách đi bách bộ. Việc đi bộ không những tạo cho các em thói quen tự lập, không ỷ lại vào người lớn chở đi học, mà còn giúp cho khí huyết lưu thông, cơ bắp rắn chắc, khi học dễ tiếp thu bài hơn. Đặc biệt, khi cơ thể trẻ được tiếp xúc với ánh nắng sẽ tạo ra vitamin D3, có tác dụng chống còi xương. |
Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, khi đi bộ cần mặc trang phục gọn gàng và đi giày đế bằng. Tuy nhiên, mỗi đối tượng tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe hoặc bệnh lý mà có cách đi bộ khác nhau. Đối với học sinh từ lớp 1 trở lên, nếu đoạn đường từ nhà đến trường dưới 2.000m, thì phụ huynh nên cho con đi bộ đến trường theo cách đi bách bộ. Riêng đối với học sinh tiểu học, trong những ngày đầu đi bộ nên có người lớn đi kèm để hướng dẫn cho các em cách đi an toàn, không đi quá nhanh, quá chậm và không nên chạy nhảy. Việc đi bộ không những tạo cho các em thói quen tự lập, không ỷ lại vào người lớn chở đi học, mà còn giúp cho khí huyết lưu thông, cơ bắp rắn chắc, khi học dễ tiếp thu bài hơn. Đặc biệt, khi cơ thể trẻ được tiếp xúc với ánh nắng sẽ tạo ra vitamin D3, có tác dụng chống còi xương.
Tương tự, đi bách bộ cũng phù hợp với người bị bệnh tim mạch hoặc người làm việc nhà. Đi vừa phải, chân bước tay vung ngang ngực (như bộ đội duyệt binh) dành cho người sức khỏe bình thường hoặc bệnh nhẹ. Đi chậm dành cho người béo phì, phụ nữ mang thai 3 tháng cuối, người ốm nặng mới hồi phục. Đi nhanh, sải chân dài, chân bước tay vung (tốc độ 80-100 bước/phút) phù hợp cho người khỏe, thừa cân… Để đảm bảo cho sức khỏe, môi trường đi bộ cần trong lành, không nắng gắt, không nên đi vào sáng sớm hoặc tối muộn. Thời gian đi bộ hợp lý là từ khoảng 6 giờ đến 10 giờ sáng và từ 16 giờ đến 18 giờ chiều.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)