Đó là phương pháp dạy của thầy Trương Ngọc Đắc (54 tuổi, tổ trưởng tổ giáo viên toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) vừa được Hội Toán học VN trao giải thưởng Lê Văn Thiêm.
Thầy Trương Ngọc Đắc hướng dẫn học sinh giải toán – Ảnh: D.THANH |
Đây là giải thưởng được bình chọn và trao hằng năm, mỗi năm chỉ trao cho 1-2 thầy cô có thành tích đặc biệt xuất sắc trong giảng dạy môn toán ở VN…
Nói với chúng tôi về giải thưởng này, thầy Đắc khiêm tốn: “Thời gian qua, tổ toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã góp công nhiều trong việc đào tạo học sinh giỏi toán cho trường, cho tỉnh Bình Định.
Riêng năm 2016, trường có em Lê Nhật Hoàng đoạt giải nhì môn toán cấp quốc gia, huy chương bạc Olympic toán quốc tế. Tôi có góp phần vào những thành tích này trong nhiều năm nhưng đây là công sức chung của cả tổ, chứ một cá nhân không thể làm được”.
'Toán là môn học “khô”, do vậy nhiệm vụ của người thầy là làm sao cho học sinh thấy toán hấp dẫn, học bao nhiêu cũng thấy thiếu để các em hăng say lao vào'. |
Thầy Trương Ngọc Đắc |
Theo thống kê, từ năm 2000 đến nay Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đoạt 53 giải học sinh giỏi toàn quốc môn toán. Riêng thầy Đắc, liên tục tám năm qua ông được Hội đồng khoa học ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Định công nhận tám sáng kiến trong giảng dạy môn toán.
Do đó, thầy Mai Anh Dũng – hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn – nói thầy Đắc chính là “đầu tàu” mạnh mẽ kéo năng lực chuyên môn của cả tổ toán, của học sinh giỏi toán trong trường luôn vươn tới và vượt lên phía trước.
Ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thầy Đắc chuyên dạy về bất đẳng thức và hằng số. Với vai trò tổ trưởng tổ giáo viên toán, nhiều năm nay thầy đã tham mưu để trường cho các giáo viên toán đi học chuyên sâu các lĩnh vực về đại số, số học, giải tích, hình học, tổ hợp…
“Thầy Đắc có phương pháp sư phạm mới lạ, cuốn hút học sinh, đào tạo nhiều em đạt thành tích thi môn toán rất cao. Thầy cũng luôn quan tâm giúp đỡ đội ngũ giáo viên trẻ.
Thầy biết rõ thế mạnh của từng người để hướng họ học tập, nghiên cứu chuyên sâu về một lĩnh vực riêng của môn toán, từ đó đảm đương được nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi toán của trường” – ông Dũng nhận xét.
Thầy Nguyễn Hữu Tâm – giáo viên trẻ của tổ toán – có cùng ý kiến: “Thầy Đắc truyền cho chúng tôi sự đam mê môn toán và tinh thần khám phá cái mới. Thầy cũng rất nhiệt tình hướng dẫn các thầy cô trong tổ về nghiên cứu khoa học, viết bài tham luận cho các hội thảo toán học…”.
Gợi cảm hứng để học sinh mê toán Nói về thầy Đắc, em Lê Nhật Hoàng, cựu học sinh chuyên toán Trường THPT Lê Quý Đôn, bộc bạch: “Thầy có cách dạy rất đặc biệt. Bao giờ đưa ra một dạng đề, thầy không hướng dẫn cách giải liền, mà khởi đầu bằng việc giảng giải các bước người ta nghĩ ra đề toán ấy như thế nào; nghĩa là dạy tụi em cách suy nghĩ của người ra đề để hiểu rõ bản chất bài toán, từ đó mỗi người có một cách tìm ra đáp án. Em thấy cách dạy như vậy đã khơi gợi cảm hứng, sự thích thú khám phá toán học của học sinh”. “Toán là môn học “khô”, do vậy nhiệm vụ của thầy giáo là làm sao cho học sinh thấy toán hấp dẫn, học bao nhiêu cũng thấy thiếu để các em hăng say lao vào. Đó là cách giải toán bằng tâm thế của người… ra đề. Tôi học được phương pháp này từ một giáo sư đầu ngành khi học thạc sĩ tại Hà Nội. Từ đó tôi ráng tìm tòi, nghiên cứu và dạy theo cách như vậy” – thầy Trương Ngọc Đắc cho hay. Theo thầy Đắc, nếu chỉ giải 10 bài toán theo một cách có sẵn thì không bằng tìm 4-5 cách giải khác nhau cho một bài toán; nghĩa là phải hiểu bản chất đề toán, rồi từ đó mỗi người tự động não tìm đường đến đích. “Muốn dạy như vậy, thầy giáo phải nghiên cứu lĩnh vực toán chuyên sâu của mình và cũng luôn có cảm giác “đói” kiến thức để “nạp” liên tục. Rất may là từ năm 2005 đến nay, mạng Internet đã hỗ trợ giáo viên chúng tôi rất nhiều thông tin, kiến thức cần thiết cho việc nghiên cứu, giảng dạy môn toán” – thầy Đắc nói. |
DUY THANH (TTO)
Bình luận (0)