Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đề thi thử Toán THPT: ‘Phổ điểm chung là 6-7 điểm’

Tạp Chí Giáo Dục

Th.s Nguyễn Bá Tuấn – Giảng viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhận định: “Nhìn chung đề dài và học sinh khó có thể làm hết trong vòng 90p. Phổ điểm chung sẽ là khoảng 6-7 điểm”.

Sáng nay (20/3), hơn 62.000 học sinh lớp 12 (gồm học sinh THPT, học sinh các trung tâm giáo dục hướng nghiệp – Trung tâm giáo dục thường xuyên) của Hà Nội chính thức bước vào buổi khảo sát đầu tiên với 141 điểm thi.

Đề thi thử Toán THPT: ‘Phổ điểm chung là 6-7 điểm’

Nhận định về đề thi thử môn Toán, Th.s Nguyễn Bá Tuấn nhấn mạnh một số điểm dưới đây

1. Nhìn chung đề dài và học sinh khó có thể làm hết trong vòng 90p

2. Cấu trúc đề vẫn như cấu trúc 2 đề minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra trước đó với 6 chuyên đề của lớp 12 là: Hàm số, mũ logarit, tích phân, số phức, hình học không gian cổ điển, hình Oxyz. Tuy nhiên, cũng theo hơi hướng của đề Thử Nghiệm (đề minh họa 02) có một số câu có dùng đến khái niệm ở lớp 10 và lớp 11.

3. Phần hàm số và tích phân yêu cầu học sinh nắm rất vững định nghĩa và ứng dụng của các phần đó (đã được trình bày trong sách giáo khoa). Đề có nhiều câu liên quan đến đồ thị và sự biến thiên của hàm số, yêu cầu học sinh phải được luyện tập nhiều.

4. Kiến thức về khối đa diện là kiến thức học sinh ít chú ý thì có tới 2 câu liên quan đến phần này và nhiều học sinh không làm tốt câu này.

5. Các câu hỏi thực tế xuất hiện nhiều nhưng mức độ không quá khó, những câu này học sinh cũng đã được luyện tập trong thời gian qua nên có thể làm được, tuy nhiên học sinh vẫn bị mất nhiều thời gian cho câu này.

6. Câu khó của đề này là ở câu về tính một biểu thức liên quan đến tích phân, câu này yêu cầu học sinh tìm được công thức tổng quát rồi từ đó mới thay các giá trị cụ thể ở đề bài đưa.

7. Lời khuyên với học sinh: Sau đề thi thử hôm nay, học sinh có thể hoang mang một chút vì không đủ thời gian để làm, phổ điểm chung sẽ là khoảng 6-7 điểm. Các em cần học kĩ và bám sát sách giáo khoa, tuy nhiên phải tiếp cận các phương pháp làm nhanh để xử lí bài toán được nhanh hơn. Thêm nữa cần trang bị cho mình hệ thống công thức đủ rộng để khi gặp các bài có dạng quen thuộc thì có thể sử dụng nó để làm nguyên liệu để xử lí nhanh hơn. Trong phòng thi phải tận dụng mọi thời gian có thể để tiết kiệm từng giây ở mỗi câu. 

Đỗ Quyên (TPO)

Bình luận (0)