Vấn đề này được thầy Lê Minh Tân, giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 11A9 và thầy Nguyễn Duy Tâm, GV chủ nhiệm lớp 11A8 (Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM) diễn giải một cách đơn giản, dễ hiểu đến học sinh qua chủ đề Thanh niên với lý tưởng cách mạng sống như những đóa hoa tổ chức ngày 20-3.
Học sinh Thanh Thanh đang chia sẻ suy nghĩ về lý tưởng sống |
Theo thầy Tân, nhiều học sinh cứ nghĩ lý tưởng sống là điều mơ hồ, cao xa khó đạt được dẫn đến sống thiếu mục tiêu. Nhưng thực tế, đó lại là giá trị diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Là trách nhiệm, ước mơ, hoài bão mà mỗi học sinh cần phải có và nỗ lực thực hiện một cách nghiêm túc để gặt hái thành công, tạo ra cuộc sống ý nghĩa hơn.
1. Quá trình diễn giải không phải bằng phim, kịch, thay vào đó là sự chia sẻ con đường đi đến thành công trong nghề nghiệp của hai khách mời tuổi đời chưa đến 30. Đó là nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng, tác giả ca khúc “Bốn chữ lắm” đang hot trên thị trường nhạc trẻ hiện nay và Nguyễn Thị Thùy Linh, giám đốc một công ty dịch vụ cưới hỏi hoạt động thành công 3 năm nay.
Thắng sinh ra trong gia đình không ai theo nghệ thuật nhưng ngay từ nhỏ, anh đã có khả năng chế lại các ca khúc thiếu nhi. Học đến THPT, anh bắt đầu dành thời gian học tập nghiêm túc về âm nhạc khi nhận ra năng khiếu sáng tác của bản thân. Kết quả, anh đã có nhiều ca khúc đứng vững trên thị trường nhạc trẻ như “Cô bé mùa đông”, “Bốn chữ lắm”, “Uống trà”, “Chạy mưa”… Theo Thắng, để có được những ca khúc hay, khán giả đón nhận, anh đã trải qua không ít khó khăn. Thậm chí, anh còn “nổi tiếng” trong giới là nhạc sĩ bị ca sĩ trả lại bài hát vì không phù hợp. Tuy nhiên, nhờ sớm xác định được sở trường và nỗ lực rèn luyện nghiêm túc đã giúp anh có được chỗ đứng trong làng nhạc như hôm nay.
Còn Thùy Linh, trước khi đến với vai trò giám đốc công ty dịch vụ cưới hỏi, chị cũng từng kinh qua nhiều công việc khác nhau nhưng không thành công. Và cuối cùng chị nhận ra rằng, niềm đam mê tổ chức tiệc cưới cho các bạn trẻ từ những ngày còn theo chân ba mẹ đi ăn cưới mới chính là con đường nghề nghiệp đúng hướng nhất. “Khi chúng ta sớm nhận ra sở thích và nỗ lực thực hiện thì có thể dễ dàng gặt hái thành công. Đây cũng chính là quá trình mỗi người thực hiện lý tưởng sống của mình. Mặc dù không tránh được khó khăn nhưng lại là những trải nghiệm thú vị để chúng ta phấn đấu, làm tốt công việc hơn”, chị Thùy Linh chia sẻ.
2. Hiện nay các bạn trẻ có nhiều thời gian học tập, giải trí nhưng không biết sử dụng thời gian một cách hiệu quả. Đó là những trường hợp đam mê mạng xã hội, game online dẫn đến bỏ lỡ thời gian thực hiện những ước mơ tương lai. Một học sinh lớp 11A9 nhận định, đây là những bạn trẻ sống hờ hững, thiếu mục tiêu và lý tưởng sống. Ngay việc học trên lớp chưa thực sự nghiêm túc, học theo xu hướng “nước đến chân mới nhảy”. Thậm chí có ước mơ, đam mê nhưng cũng không quyết tâm thực hiện vì ngại khó khăn. “Người có lý tưởng sống là người luôn biết rèn luyện, phấn đấu, nắm bắt cơ hội thực hiện mục tiêu cuộc sống. Đối với học sinh, khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải xác định tích lũy kiến thức là cả một quá trình, là nền tảng xây dựng tương lai. Đồng thời không quên rèn luyện kỹ năng, sức khỏe, tích cực tham gia các hoạt động xã hội để hoàn thiện bản thân”, học sinh này cho biết.
Minh chứng cho các bạn trẻ sống có lý tưởng không chỉ là anh Thắng, chị Thùy Linh mà còn là ba học sinh tiêu biểu của trường. Đó là Tô Mỹ Uyên, đạt giải nhì môn văn và Bảo Triều, đạt giải ba môn toán trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố vừa qua. Mặc dù có khó khăn trong cuộc sống nhưng hai em luôn lạc quan, nỗ lực vươn lên để thực hiện ước mơ. Đặc biệt, em Lương Minh Toàn, lớp 11A9 được đánh giá học giỏi toàn diện các môn nhờ thái độ học tập nghiêm túc. Điểm tổng kết học kỳ 1 năm học 2016-2017, Toàn xuất sắc đạt 9,4 điểm trung bình các môn…
Thầy Tân cho biết: “Tôi mong muốn thông qua những tấm gương bạn trẻ thành đạt và học sinh tiêu biểu của nhà trường để các học sinh khác noi theo. Hơn hết, để các em hiểu lý tưởng sống là giá trị diễn ra trong cuộc sống hàng ngày…”.
N.Trinh
Bình luận (0)