Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trưởng thành từ công tác Đoàn: Bài 1: Làm việc bằng nội lực sức trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Là hiệu trưởng quản lý một trường THPT vừa mới khánh thành, dù kinh nghiệm lãnh đạo chưa nhiều nhưng bằng nội lực từ sức trẻ và đặc biệt là tinh thần làm việc của cán bộ Đoàn, nhà giáo Nguyễn Đức Chính – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh TP.HCM đã tự khẳng định mình trong 5 năm qua.

Nhà giáo Nguyễn Đức Chính (giữa) trong một buổi hội nghị của trường

Chỉ sau 2 năm học, Trường THPT Trần Văn Giàu đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ GD-ĐT vì những thành tích “mở màn” của đơn vị. Đây chính là bệ phóng khai thủy để cho tập thể cán bộ, GV nhà trường từng năm sau tiếp tục vững tiến. 

Trường mới phong trào mới

Cách đây 2 năm, khán giả truyền hình thật sự ấn tượng với những câu chuyện kể của thầy giáo Nguyễn Đức Chính về phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cá nhân và đơn vị trên Đài Truyền hình HVT9. Cùng với một số thầy cô tiêu biểu khác, Hiệu trưởng Nguyễn Đức Chính trở thành một trong nhiều bông hoa điển hình của ngành GD-ĐT TP.HCM trong phong trào tu dưỡng đạo đức cách mạng có ý nghĩa.

Năm 2012 để đáp ứng nhu cầu học tập của con em người dân trên địa bàn Q.Bình Thạnh, Trường THPT Trần Văn Giàu ra đời giữa một khu đất mới tại P.13. Khi biết tin thầy Chính được điều động về làm hiệu trưởng nhiều người thật sự ngạc nhiên vì thấy vị lãnh đạo còn trẻ, chưa một ngày ngồi làm việc với tư cách là hiệu trưởng của một trường THPT. Thế nhưng, nếu những ai đã từng biết bề dày thành tích và bề rộng đóng góp của thầy Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám Nguyễn Đức Chính trước đó thì mới hiểu đó là cách “chọn mặt gửi vàng” đúng đắn. Thời học sinh chưa lúc nào một ngày tham gia công tác phong trào Đoàn, nhưng sau 1 năm ra trường, thầy Chính đã thật sự chững chạc khi được BGH phân công làm trợ lý thanh niên mang tên vị Anh hùng dân tộc Đề Thám.

Nhạy bén bắt nhịp phong trào

Thời gian 7 năm lăn lộn với công tác Đoàn dần khẳng định năng lực hoạt động của thầy giáo trẻ, nói ít nhưng làm việc nhiều và hiệu quả. Đây là thời gian THPT Hoàng Hoa Thám đi theo mô hình trường bán công nên không ít những rào cản nhưng bù lại ý chí quyết tâm xây dựng của BGH nhà trường thì không thiếu. Cái khó ló cái khôn, hàng tuần đi sớm về trễ bất kể thời gian, thầy trợ lý thanh niên không quản vất vả để đưa phong trào bắt nhịp với “hơi thở” của HS. Sau này khi đã cơ cấu vào BGH nhưng thầy Chính vẫn coi thời gian làm trợ lý thanh niên như một quãng đời đẹp nhất của tuổi thanh xuân bắt đầu chạm ngõ với công tác quản lý giáo dục. Là con người ít nói tưởng như lạnh lùng nhiều người không tin trước đây là một cán bộ Đoàn, nhưng bên trong con người nhỏ bé đó là một trái tim cháy lửa nhiệt tình, năng động. Trái tim đó là ngọn đuốc soi đường để người GV trẻ dấn thân và hành động. Theo thầy Chính, phẩm chất cần có của một trợ lý thanh niên trước hết là sự thành tâm và cống hiến. Nhưng nếu thiếu sáng tạo và không lắng nghe nhịp sống cuộc đời thì dù có tích cực thì cũng khó thành công: “Trong môi trường giáo dục, trợ lý thanh niên phải luôn nắm bắt được nhu cầu của quần chúng mà cụ thể là các em HS để đưa ra những hoạt động phù hợp bổ ích. Cập nhật thông tin thời sự để có những chương trình hành động phù hợp với từng thời điểm, mỗi giai đoạn. Đây chính là sự nhạy bén của người cán bộ Đoàn” – thầy Chính khẳng định. Người trợ lý thanh niên dù đứng sau hậu trường của phong trào nhưng phải được trang bị kinh nghiệm đầy mình để biết rõ công việc mà tập thể đang làm. Trăn trở suy nghĩ tìm những phát kiến mới để có những hoạt động phù hợp với HS để khỏi lệch hướng đi. Theo thầy, hai hoạt động học tập và phong trào phải “trùng khít” lên nhau chứ không thể tách rời đi song song. Có như vậy chất lượng hoạt động mới đạt hiệu quả và quan trọng hơn là được sự đồng thuận của GVCN và phụ huynh HS. Công tác Đoàn phải biết để mắt tới HS là quần chúng tích cực, tăng cường công tác phát triển Đảng xứng đáng là cái nôi sinh ra các thế hệ đảng viên ưu tú. Vì thế với hơn 2.150 HS của 50 lớp, Trường THPT Trần Văn Giàu đã chọn 2 trợ lý thanh niên xuất sắc như 2 cánh tay chủ lực nâng đỡ phong trào Đoàn.

Đánh giá về vai trò của BGH nhà trường, thầy Chính cho rằng lãnh đạo đơn vị không chỉ tạo điều kiện mà còn phải thấu hiểu biết chia sẻ để công tác Đoàn có chỗ dựa vững chắc về phía chính quyền không ngoài mục đích nâng cao chất lượng. Dù cán bộ Đoàn là người luôn sáng tạo nhưng nhà trường cùng sát cánh không được giao khoán mà phải quan tâm để điều chỉnh kịp thời. Đối với HS, tổ chức Đoàn Thanh niên là người dẫn đường cho việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức và kỹ năng. Đây cũng là nơi để các em trưởng thành trong quá trình làm việc nhóm, mạnh dạn và tự tin hơn. Thông qua “lăng kính” này, GV được bồi dưỡng tthêm kinh nghiệm giúp hiểu hơn HS để có biện pháp giáo dục phù hợp và hiệu quả. Có thể nói hoạt động phong trào Đoàn là một không gian mở để tạo nên nội lực mạnh mẽ để các trường học phát huy mọi thế mạnh của đơn vị trong công tác giáo dục đạo đức và phẩm chất người thanh niên trong thời đại mới.

Bài, ảnh: Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)