Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

600 hộ dân vui vẻ tự hiến đất giá trăm triệu để làm đường

Tạp Chí Giáo Dục

Khi chủ trương mở rộng đường tỉnh 816 vừa được phổ biến, hơn 600 hộ dân ở H.Bến Lức (Long An) đã vui vẻ ký tên hiến đất, kể cả diện tích đang trồng cây sinh lợi.

Anh Thương hiến phần đất nằm sát mặt đường tỉnh 816  /// Ảnh: Khôi Nguyên
Anh Thương hiến phần đất nằm sát mặt đường tỉnh 816. ẢNH: KHÔI NGUYÊN
Đo đến đâu, giao đến đó
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi (H.Bến Lức), cho biết đường tỉnh 816 nối liền QL1 với QLN2, đi qua địa phận 3 xã Bình Đức, Thạnh Hòa và Thạnh Lợi, với chiều dài gần 16 km. Đây là con đường độc đạo xuyên qua các xã vùng sâu, nhưng nhiều năm nay bị xuống cấp trầm trọng, trời nắng bụi bay mù mịt, trời mưa sình bùn lầy lội.
Năm 2016, tỉnh có chủ trương triển khai dự án nâng cấp, mở rộng con đường này thành lộ nhựa, tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương.
Khu vực này tuy dân cư còn thưa thớt nhưng 10 năm trở lại đây, đất đai bắt đầu có giá do bà con trồng chanh, đu đủ và nhiều loại cây ăn trái… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Điều lạ là khi nghe họp bàn chuyện hiến đất mở rộng lộ thì gần như toàn bộ các hộ dân sống dọc hai bên tuyến đường này đều đến tham dự. Nhiều chú, bác lớn tuổi chỉ nói ngắn gọn là nhà nước đầu tư biết bao nhiêu tiền, mình chỉ hiến vài trăm mét vuông đất có nhằm gì. Thế là họ ký tên đồng tình một cách nhanh chóng”, ông Tâm kể.
Theo thống kê, diện tích đất chịu ảnh hưởng bởi đoạn đường đi qua xã Thạnh Lợi là 10.000 m2, hộ nhiều nhất là 1.000 m2, thấp nhất cũng vài chục mét vuông; trong đó có rất nhiều diện tích trồng cây lâu năm, hoa màu đang sinh lời cao. Vậy mà ai cũng vui vẻ, tự giác bàn giao đất cho nhà thầu thi công.
Ông Lý Công Sáng (65 tuổi, ngụ ấp 6, xã Thạnh Lợi) cho biết: “Diện tích đất ven lộ của gia đình tôi không nhiều bằng các hộ khác, nhưng nhà nước đo tới đâu tôi sẵn sàng giao đến đó. Trước mắt tôi hiến 200 m2, nếu tính thành tiền cũng khoảng vài trăm triệu. Tuy nhiên, cái được lớn nhất là chúng tôi sẽ làm ăn thuận tiện hơn, tiêu thụ nông sản cũng dễ dàng”. Còn anh Lê Văn Thương (35 tuổi, ngụ cùng ấp) chia sẻ: “Khi nghe chủ trương làm đường, vợ chồng tôi đồng tình liền. Tôi còn cho ban quản lý dự án thêm gần 300 m2đất để làm nhà chờ xe buýt và chỗ cho xe tránh nhau”.
Chủ trương hợp lòng dân
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Bình Đức (H.Bến Lức), thừa nhận: “Chủ trương hiến đất mở đường rất hợp lòng dân nên ai cũng đồng tình, chính quyền không phải vất vả làm công tác vận động. Nhưng nếu lợi dụng việc chung để tư lợi là nông dân phản ứng ngay”.
Ông Trần Văn Tươi, Chủ tịch UBND H.Bến Lức, cho biết việc thi công tuyến đường tỉnh 816 có 647 hộ dân bị ảnh hưởng, với tổng diện tích gần 39.000 m2. Trong đó có trên 614 hộ tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc, cây trái với tổng giá trị khoảng 12 tỉ đồng. “Sự đồng thuận của người dân đã góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của huyện về phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội ở vùng sâu vùng xa. Chính quyền 3 xã Thạnh Lợi, Thạnh Hòa, Bình Đức đã làm tốt công tác vận động người dân, góp phần cho tuyến đường được hoàn thành nhanh chóng”, ông Tươi nói.
Theo ông Nguyễn Văn Chỉnh, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, dự án đường tỉnh 816 có 4 gói thầu thi công, với tổng mức đầu tư gần 200 tỉ đồng. Sau khi bàn giao mặt bằng, nhà đầu tư đã triển khai thi công 2 gói thầu, dự kiến đến năm 2018 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuyến đường được thiết kế theo đường cấp 4 đồng bằng, mặt đường rộng 7 m, 2 làn xe, nền hạ 9 m được thảm nhựa bê tông. Đường tỉnh 816 hoàn thành sẽ góp phần giảm tải trên QL1, giảm ùn tắc giao thông khu vực TT.Bến Lức, đặc biệt là vòng xoay ngã tư Long Kim, giúp nông dân vận chuyển nông sản thuận lợi gấp hàng chục lần hiện nay.

Khôi Nguyên/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)