Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ra mắt nhiều dự án sáng tạo của học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 18-11, Tại trường THPT Hiệp Bình (Quận Thủ Đức, TP.HCM) đã diễn ra chung kết Hội thi STEM Vật lý lần thứ I với 10/ 72 dự án xuất sắc được lựa chọn từ các vòng loại. Trong đó nhiều dự án được đánh giá mang tính sáng tạo và ý nghĩa nhân văn cao như: Đèn ngủ phun tinh dầu; Robot hút đinh; Máy rót nước; Loa tái chế; Nhà thông minh chống lũ; Thiết bị hỗ trợ người mù; Thùng rác thông minh; máy hút bụi…

Học sinh thuyết trình về dự án Nhà thông minh chống lũ. Ảnh: H.T

Kết quả chung cuộc, dự án Robot hút đinh xuất sắc giành giải nhất; dự án Thiết bị hỗ trợ người mù giành giải nhì; dự án máy hút bụi đạt giải ba.

Cô Nguyễn Thị Hồng Mai – Trưởng bộ môn Vật lý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vật lý, Trường THPT Hiệp Bình cho biết, câu lạc bộ Vật lý đã được nhà trường thành lập từ nhiều năm nay nhằm tạo điều kiện để học sinh có thể thể hiện được sự năng động, sáng tạo. Nhận định vai trò của giáo dục STEM trang bị được cho học sinh những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Kiến thức và kỹ năng đó được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày. Được biết, Trường THPT Hiệp Bình đã ứng dụng giáo dục STEM vào giảng day một số môn học, trong đó có Vật lý.  

Trao giải thưởng cho những dự án xuất sắc nhất. Ảnh: H.T

Cô Mai cho biết thêm, mặc dù hội thi vẫn còn một số khó khăn, hạn chế tuy nhiên cả số lượng lẫn chất lượng đề tài của học sinh tham gia trong hội thi đã có nhiều tiến bộ. Đặc biệt là phát huy được tính chủ động tìm tòi, nghiên cứu của các em. Bên cạnh đó đã phát huy được năng lực hợp tác, làm việc nhóm giữa các thành viên, giúp các em phát huy tốt khả năng, thế mạnh của mình.

Thầy Nguyễn Văn Hiệp – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Hội thi đã đúc kết lại một số điểm sáng mà trường THPT Hiệp Bình đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, một lần nữa khẳng định rằng STEM không phải là sân chơi, mà là cách giáo dục mới giúp học sinh phát triển một cách toàn diện. Chúng tôi cũng mong muốn rằng từ cấp quản lý đến các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của giáo dục STEM”.

Hoài Thương

 

Bình luận (0)