Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vũ khí tự vệ cho trẻ: Ẩn họa khôn lường!

Tạp Chí Giáo Dục

Dù là mặt hàng cấm nhưng vũ khí hay nhiều người vẫn gọi là “hàng nóng” vẫn được rao bán trên mạng công khai. Đáng nguy hại hơn khi một số phụ huynh chủ động trang bị những “hàng nóng” cho con mình để làm vũ khí tự vệ.

Vũ khí tự vệ được rao bán công khai trên một trang mạng xã hội

Mua vũ khí dễ… như chơi

Vũ khí được bày bán như một món hàng mà người mua rất dễ tiếp cận, sở hữu chúng chỉ qua vài thao tác đơn giản không còn là chuyện quá xa lạ. Thế nhưng điều đáng nói là bao năm qua, vấn nạn này vẫn tồn tại. Những “chợ” internet chuyên bán vũ khí vẫn ngày ngày hoạt động, bất chấp quy định pháp luật.

Tìm vào thanh công cụ tìm kiếm Google, chỉ cần gõ “vũ khí tự vệ” là đã có 454.000 kết quả trong 0,41 giây. Trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, instagram… cũng có hàng loạt quảng cáo mua bán các súng, đạn, kiếm, roi điện… Đánh vào tâm lý của nữ giới, xịt cay thỏi son được quảng cáo trên một trang web: “Xịt cay thỏi son mini nhỏ gọn như một thỏi son chuyên dụng của các chị em phụ nữ, có thể bỏ gọn vào túi quần, ví, túi xách, rất gọn, nhỏ gọn nhưng tác dụng lại rất cao, có thể hạ gục và làm một người to lớn mất khả năng cướp giật hay hãm hại”.

Chỉ cần lướt qua vài trang này đã có thể thấy việc mua bán vũ khí dễ dàng, nhanh chóng như một mặt hàng thông dụng hàng ngày. Gọi vào số điện thoại 0916.828. XXX được cung cấp sẵn trên một trang web chuyên bán vũ khí tự vệ để hỏi mua một roi điện bỏ túi, chúng tôi được trả lời nhiệt tình với những lời chào hàng, báo giá cụ thể. “Bên em bán roi điện nhiều màu sắc, giá 1.050.000 đồng, kèm sạc pin, giao hàng tại TP.HCM. Hàng nhỏ gọn, chất lượng”. Không ít những người rao bán đăng công khai mặt hàng, tính năng, giá tiền cũng như số điện thoại để khách hàng có nhu cầu dễ dàng trao đổi. Một số trang yêu cầu khách đặt tiền cọc trước qua tài khoản ngân hàng.

Trên mạng xã hội xuất hiện các clip thanh toán lẫn nhau bằng đao kiếm, dẫn tới nhiều người thiệt mạng. Không ít phụ huynh vì lo sợ cho con mà sẵn sàng mua vũ khí để con tự vệ. Chính điều này vô tình có thể dẫn đến những tai họa khôn lường, nhất là trong khi việc mua bán vũ khí ngày càng công khai và khó kiểm soát như hiện nay.

Tự vệ hay tự hại?

Vừa qua, Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã tạm giữ hình sự Trần Quốc Tiến (24 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) để điều tra về hành vi buôn bán vũ khí sát thương trái phép. Theo hồ sơ, Tiến bị Đội cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an TP.Biên Hòa bắt quả tang khi đang mang theo bên người 12 cây roi điện tự chế hình thỏi son, có công suất phóng điện cực đại lên tới 3.800V, xuất xứ từ Trung Quốc. Làm việc với lực lượng công an, Tiến khai nhận số roi điện trên Tiến mua qua mạng với giá 120.000 đồng/cái, sau đó bán lại với giá 200.000 đồng/cái kiếm lời. Thời điểm bị bắt, Tiến đang chờ để giao hàng cho một số người ở TP.Biên Hòa đặt hàng trước đó. Điều 230 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: “Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 1-7 năm”. Nếu người bán hàng mua trực tiếp từ những đối tượng trộm cắp quân dụng có thể xem xét họ về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Nếu là hàng giả, hàng nhái thì có thể xem xét về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Người nào tàng trữ trái phép vũ khí là hành vi trái pháp luật có thể bị khởi tố theo quy định tại điều 233 – Bộ luật Hình sự.

Luật sư Đoàn Thanh Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết việc mua các dụng cụ hỗ trợ phải có giấy phép, riêng người sử dụng phải có chứng chỉ đào tạo tập huấn công cụ hỗ trợ do công an cấp… Ngoài ra, dùi cui, súng điện đều được lập hồ sơ, có mã số in cụ thể, mỗi lần dùng đến phải trình báo cho cơ quan chức năng. Những loại vũ khí, dụng cụ tự vệ có những tác động nguy hại đến tâm lý, nhận thức của giới trẻ, có thể dẫn đến rất nhiều người vì không hiểu quy định pháp luật mà gặp rắc rối, tự hại chính mình.

Có cầu thì ắt có cung. Khi những tin tức về các vụ trộm cắp, côn đồ hành hung… liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc trang bị vũ khí cho trẻ tự vệ là điều dễ hiểu của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, chính điều này lại vô tình gây ra những ẩn họa khôn lường cho trẻ. Theo luật sư Đoàn Thanh Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), “việc mua các dụng cụ hỗ trợ phải có giấy phép, riêng người sử dụng phải có chứng chỉ đào tạo tập huấn công cụ hỗ trợ do công an cấp… Ngoài ra, dùi cui, súng điện đều được lập hồ sơ, có mã số in cụ thể, mỗi lần dùng đến phải trình báo cho cơ quan chức năng. Những loại vũ khí, dụng cụ tự vệ có những tác động nguy hại đến tâm lý, nhận thức của giới trẻ, có thể dẫn đến rất nhiều người vì không hiểu quy định pháp luật mà gặp rắc rối, tự hại chính mình”.

Bài, ảnh: Yên Hà

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)