Em bé sinh non bị suy hô hấp, suy tim. Đây là ca mổ tim cho bệnh nhân nhỏ nhất (tuổi lẫn cân nặng) được Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) ghi nhận.
Em bé (sinh tại Vĩnh Long, khi thai mới 31 tuần, chỉ nặng 900g) được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), với tình trạng suy hô hấp, suy tim. Đây là ca mổ tim cho bệnh nhân nhỏ nhất (tuổi lẫn cân nặng) được Bệnh viện Nhi đồng 1 ghi nhận.
Hôm nay (28.3), theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, khi vừa nhập viện, em bé đã được đặt nội khí quản cho thở máy ngay. Qua thăm khám, kiểm tra sức khỏe, siêu âm tim, các bác sĩ chẩn đoán bé bị hẹp eo động mạch chủ.
“Động mạch chủ là mạch máu lớn đưa máu từ tim đi nuôi toàn bộ các cơ quan phần thân dưới của cơ thể. Động mạch lớn này của em bé bị bít tắc lại. Hậu quả là lượng máu đến nuôi thân dưới không đủ. Như thế, các cơ quan sẽ bị tổn thương. Trước hết là nguy cơ suy thận, viêm ruột hoại tử, biến chứng chi dưới. Quan trọng hơn hết là mạng sống của cháu không giữ được”, bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, giải thích.
Bác sĩ Hiếu cho biết thời gian qua, máu nuôi cơ thể em bé qua ống động mạch. Tuy nhiên, ống động mạch này có thể đóng bất kỳ lúc nào. Vì ống động mạch chỉ là đường lưu thông máu nuôi thai nhi khi còn trong bụng mẹ. Sau khi em bé chào đời, ống động mạch này sẽ tự động đóng lại.
“Thời gian vừa qua, các bác sĩ đã phải dùng thuốc để duy trì ống động mạch. Tuy nhiên, không thể dùng thuốc duy trì các ống động mạch như vậy lâu được”, bác sĩ Hiếu nói.
Vì vậy, qua hội chẩn, các bác sĩ đánh giá, em bé không thể nào đợi được đến khi đủ cân nặng để mổ tim. Các bác sĩ đã quyết định mổ tim cho bệnh nhi chỉ mới 20 ngày tuổi và nặng có 850g (cân nặng khi mổ).
Đây là một ca phẫu thuật tim lớn, với bệnh nhi nhỏ nhất cả tuổi lẫn cân nặng, được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 từ trước đến nay.
Bác sĩ Tâm đánh giá, với một em bé sinh non nhẹ cân bình thường đã có hơn 20 vấn đề đe dọa đến sức khỏe. Thế nên, để mổ tim thì đây là ca mổ vô cùng khó khăn.
Các bác sĩ phải tính toán việc gây mê cho bé an toàn. Ca mổ phải được tính toán thực hiện nhanh gọn, hạn chế tối đa việc mất máu và thời gian ngưng cung cấp máu cho bé.
Sau 21 phút phẫu thuật, ê kíp bác sĩ đã cắt đoạn động mạch chủ bị hẹp và nối lại mạch máu cho bé.
Trong ca phẫu thuật, bé bị mất khoảng 5 ml máu (trên cơ thể của bé nặng 850 g thì lượng máu trong toàn cơ thể chỉ khoảng 70ml).
Hiện tại, bé đã được sửa dị tật tim bẩm sinh. Bé đã không phải thở máy và vẫn được chăm sóc hồi sức, điều trị các vấn đề sức khỏe đối với trẻ sinh non nhẹ cân tại Khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1.
Viên An (TNO)
Bình luận (0)