Vừa qua, diễn đàn “An toàn cho con yêu – Im lặng hay lên tiếng” diễn ra tại đường sách TP.HCM đã thu hút đông đảo sự quan tâm của người nghe. Trước những vụ xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp, vấn đề này được phụ huynh chú ý hơn bao giờ hết.
Tác giả Uyên Bùi và TS. Phạm Thị Thúy (thứ 1, 2 từ trái qua) chia sẻ tại diễn đàn “An toàn cho con yêu – Im lặng hay lên tiếng” |
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Nỗi lo sợ của nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ hiện nay là làm thế nào bảo vệ con mình một cách tốt nhất. Cha mẹ không thể ở bên con 24/24 giờ để theo sát trẻ nên việc giúp con trang bị những kiến thức tự bảo vệ mình là điều hết sức cần thiết giúp trẻ tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị kẻ xấu xâm hại.
Theo tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia, “Nhiều năm làm tư vấn tâm lý cho trẻ, có đến 93% trường hợp trẻ bị xâm hại là do người thân, quen biết gây ra. Nhiều phụ huynh lơ là trong việc giáo dục những vấn đề về giới tính cho con, chỉ trông chờ và đổ trách nhiệm cho gia đình và xã hội. Hãy dạy trẻ hiểu về giáo dục giới tính, về kỹ năng bảo vệ bản thân để giúp trẻ có khả năng tự bảo vệ mình”. Tâm lý của nhiều người Việt Nam hiện nay vẫn còn rất e ngại khi nói về những vấn đề liên quan đến giới tính đối với con cái, đặc biệt là con gái. Khi sự việc xảy ra, các em không chỉ chịu những đau đớn về thể xác, mà còn bị tổn thương tinh thần, nhiều em bị sang chấn tâm lý sẽ rất khó điều trị. Nguy hiểm hơn nó có thể khiến trẻ bị ám ảnh, sợ hãi suốt đời.
Những con số thống kê được đưa ra ở mức đáng báo động khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Theo như các số liệu thống kê được gần đây, phần lớn các vụ xâm hại tình dục trẻ em bắt đầu xảy ra trong độ tuổi từ 3-8 tuổi, độ tuổi dễ bị tổn thương nhất. Trong số đó, 93% những trẻ bị xâm hại tình dục là nạn nhân của một người chúng biết và tin tưởng khiến người lớn phải suy ngẫm.
“Người Việt Nam hay có thói quen cưng nựng, vuốt má, hôn má em bé. Nếu bé có sự phản ứng như đẩy họ ra vì cảm thấy không thích thì người lớn sẽ bảo bé không ngoan. Chính suy nghĩ đó khiến trẻ dễ dãi với những cử chỉ thân mật đó, nghĩ rằng ai cũng có thể sờ, chạm vào mình và không có phản xạ với người lạ”, tác giả Uyên Bùi chia sẻ. |
Chị Uyên Bùi (đồng tác giả quyển sách “Để con được ốm” với bác sĩ Trí Đoàn) đã chia sẻ với mọi người cách nói chuyện giới tính với con hằng ngày theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” bởi chị luôn quan niệm phòng bệnh hơn chữa bệnh. “Ngay từ khi con gái lên 2 tuổi, tôi đã bắt đầu chỉ dạy cho con biết rằng trên cơ thể của trẻ có những vùng riêng tư, vùng kín tuyệt đối không được để người lạ chạm vào. Quan trọng hơn cả, bố mẹ nên lấy mình là những ví dụ thực hành để con cảm nhận rõ hơn điều đó. Với bé gái, bố chính là người khác giới đầu tiên và thân thiết để minh họa sự khác biệt giới tính, ngược lại con trai và mẹ cũng vậy. Cần dạy con biết cách tôn trọng cơ thể của mình, thẳng thắn nói với con về giới tính”, chị Uyên Bùi cho biết.
Dành cho trẻ nhiều tình yêu thương
TS. Phạm Thị Thúy cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng chính là từ phía các bậc phụ huynh. Nhiều năm làm công tác tham vấn tâm lý cho nhiều trường hợp, TS. Thúy nhận thấy không ít em nhỏ bị xâm hại đều thiếu thốn tình yêu thương, sự quan tâm từ cha mẹ. Khi lớn lên trong một gia đình thiếu sự sẻ chia như vậy, các em khao khát sự quan tâm từ người khác. Nếu bị kẻ xấu đánh trúng tâm lý này thì các em dễ bị dụ dỗ bằng cách tặng quà, trao tặng những lời khen rồi dễ dàng tin tưởng và sẵn sàng đi theo để rồi xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Đồng quan điểm với tác giả Uyên Bùi, TS. Phạm Thị Thúy cũng nhấn mạnh: “Cần dành cho con tình yêu thương đi cùng với sự hiểu biết. Vấn đề giáo dục giới tính cho con bắt nguồn từ những điều đơn giản, nhỏ nhặt như việc tắm ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Người tắm cho con gái không nên là cha, tắm cho con trai cũng không nên là mẹ. Ông bà cũng không nên làm việc này. Nếu gia đình quá thoải mái thì trẻ sẽ không cảm nhận và hiểu được đó thực sự là vùng riêng tư của trẻ. Do đó, khi có người lạ đụng vào, trẻ không có phản xạ cần thiết”.
Có thể nhận thấy những nạn nhân phổ biến của nạn xâm hại ngoài các bé tự kỷ, thiểu năng, phần rất lớn là những đứa trẻ thiếu thốn tình thương của gia đình. “Mỗi gia đình cần dành cho trẻ nhiều tình yêu thương, sự quan tâm hơn nữa. Nếu có rủi ro đáng tiếc xảy ra, sau những phẫn nộ, đòi lại lý lẽ công bằng cho con bằng luật pháp, bằng sự trừng trị đích đáng dành cho kẻ xấu là cần thiết nhưng người lớn hãy là chỗ dựa, làm vơi đi những sang chấn tâm lý trong đứa trẻ bởi những đau đớn ấy là không thể đong đếm được và có thể sẽ ám ảnh, đeo bám đứa trẻ”, TS. Thúy nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Thục Quyên
Bình luận (0)