Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trải nghiệm văn học bằng sự sáng tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ dừng lại mức độ đổi mới phương pháp, tiết dạy học Dự án tích hợp chuyên đề và hoạt động trải nghiệm sáng tạo của Tổ ngữ văn Trường THCS-THPT Đức Trí (TP.HCM) thật sự là không gian mở để học sinh có cơ hội hóa thân vào tác phẩm văn chương với mục tiêu gắn lý thuyết với thực hành, gắn nhà trường với thực tiễn cuộc sống.

Nhóm làm phim The Junior Entertainment chia sẻ quá trình thực hiện bộ phim “Chí Phèo – Chuyện chưa kể”

1. Dự án được tổ chức tại lớp 11A2. Bài học đầu tiên chính là những thước phim “Chí Phèo – Chuyện chưa kể” được trình chiếu do nhóm làm phim mang tên The Junior Entertainment sản xuất. Lấy cảm hứng từ truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, nhóm làm phim do giáo viên bộ môn Phạm Thị Nga hướng dẫn đã “phục hiện” toàn bộ cuộc đời của những người nông dân trước Cách mạng tháng tám bị số phận tha hóa và lưu manh hóa. Truyện ngắn “Chí Phèo” thường được học sinh đưa lên sàn diễn với hình thức sân khấu hóa thì ở đây lại mang một khuôn mặt mới của nghệ thuật thứ bảy. Để có một câu chuyện hoàn chỉnh đưa lên màn bạc, trước hết phải có một nhà biên kịch đảm trách công việc viết kịch bản. Đây là công việc hoàn toàn mới không hề có trong bài học trên lớp. Ngoài dàn diễn viên hóa thân thành những nhân vật điển hình như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, bà cô Thị Nở, Lý Cường, bà Ba do các em Hoàng Long, Thiên Kim, Đức Huy… thủ vai, còn có bộ phận quay phim, dựng phim, xử lý hình ảnh, tạo nhạc… cũng do các học sinh trong lớp 11A2 đảm trách. Tất cả mọi công đoạn đều không hề đơn giản. Tuy nhiên, sau khi xem xong sản phẩm với thời lượng hơn 30 phút, mọi người đều có thể hình dung được những giọt mồ hôi mà nhóm làm phim đã bỏ ra để thực hiện bộ phim. Nhưng trên hết là sự khâm phục và ngưỡng vọng với chất lượng sản phẩm do chính học sinh làm ra mặc dù các em chưa qua trường lớp nào.

Cô Nguyễn Thị Phi (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết ngoài mục đích giúp học sinh phát triển các kỹ năng, phát huy tính tự lực, rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tư duy sáng tạo, dự án còn mở ra một sân chơi bổ ích giúp học sinh có những giây phút thư giãn sau thời gian học tập căng thẳng, tạo cho các em có một kỷ niệm đẹp của thời cắp sách đến trường. 

2. Đúng như chia sẻ của nhóm The Junior Entertainment, dự án vừa là cơ hội nhưng cũng chính là thách thức mà các em phải trải qua vì ai cũng là người lần đầu tiên “chạm ngõ” điện ảnh với những đòi hỏi và yêu cầu cao. Một thách thức lớn hơn đó là tác phẩm hiện thực phê phán cách đây gần 1 thế kỷ không còn ở góc nhìn của những người “muôn năm cũ” mà là góc nhìn mới của thế hệ 9X, 10X thuộc thế kỷ 21. Rất may là những phần sáng tạo của các em lồng ghép trong đó như phân cảnh Thị Nở nhảy múa với Chí Phèo trong vườn chuối, cảnh cuối sau cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến, hay những lời thoại hóm hỉnh và nền nhạc cách tân… đều chấp nhận được. Những nhân vật đưa lên màn ảnh không cùng tuổi tác, tâm tính và số phận nhưng các em đều nhập vai rất ngọt. Đúng như nhận xét của cô Nga, dù làm bất cứ việc gì nếu có ý chí quyết tâm và sự đồng lòng thì cũng thành công.

Chưa hết, tính chuyên nghiệp một lần nữa được khẳng định qua chương trình họp báo giới thiệu bộ phim để đội ngũ “phóng viên các báo, đài” giao lưu với đoàn làm phim. Không chỉ vào vai nhân vật trong phim, ở sân chơi này các em lại vào vai ký giả cùng chia sẻ chuyện “bếp núc” trong quá trình xây dựng hình hài đứa con tinh thần cho dự án. Có thể nói, mỗi câu chuyện kể chính là mỗi bước trải nghiệm dù có nụ cười hay nước mắt đều vô cùng quý giá. Cô Nga đã trải lòng với các em học sinh: “Cô thật sự xúc động và bất ngờ trước sự sáng tạo của các em. Dựa án là trải nghiệm thú vị đưa các em về với quá khứ, hiểu được nỗi đau của cuộc sống cũ để trân quý những gì đang có trong cuộc sống hiện tại”.

Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)