Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hiểu mẹ để yêu thương gia đình hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Khi học các tác phẩm văn học nói về công cha, nghĩa mẹ, giáo viên đóng vai trò là người truyền đạt, giúp học sinh hiểu và cảm nhận để sống có trách nhiệm hơn. Nhưng với dự án văn học Lòng mẹ, học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) đóng vai trò là người truyền đạt đến giáo viên, phụ huynh và bạn bè những cung bậc cảm xúc về lòng mẹ…

Tiết mục sân khấu hóa lấy nước mắt người xem

Dự án trên do tập thể lớp 10C1, 10C5 và 11B5 thực hiện thông qua tích hợp sân khấu hóa, tranh vẽ, truyện tranh, tập san…

Lấy nước mắt người xem

Ở tiết mục sân khấu hóa, nhóm học sinh tham gia đã chọn trích đoạn các tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu), “Cô bé bán diêm” (An-Đéc-Xen), “Trong lòng mẹ” (Nguyên Hồng) để xâu chuỗi thành một câu chuyện về những phận đời bị lãng quên. Theo đó, các em chia nhau đóng vai nữ thần, người mẹ, người con, cha dượng… để chuyển tải câu chuyện đến giáo viên, phụ huynh và bạn bè.

Đến với trích đoạn “Chiếc thuyền ngoài xa”, người xem cảm nhận sâu sắc nỗi đau xót xa của người mẹ khi chịu đựng bạo lực gia đình, không lối thoát chỉ vì tình yêu thương con vô bờ bến. Còn trích đoạn “Cô bé bán diêm”, số phận em bé bán diêm bị bỏ rơi giữa cuộc đời no đủ với niềm khát khao hạnh phúc đã khiến người xem cảm thấy đáng thương trước một phận đời thiếu vòng tay mẹ. Sang trích đoạn “Trong lòng mẹ”, người xem tiếp tục thấy được nỗi khát khao sự ấm áp về tình mẹ thiêng liêng cao đẹp của chú bé Hồng.

Trước sự kết hợp tinh tế giữa các diễn viên, nội dung chuyển tải chân thật, giàu cảm xúc, nhiều giáo viên, phụ huynh và cả học sinh không kìm được nước mắt. Bởi tất cả đều cảm nhận rằng, con cái suốt đời là dòng sông bé nhỏ, còn mẹ hiền là biển cả mênh mông. Mỗi người trong cuộc đời đều có những ước mơ, khao khát về tương lai, nhưng hạnh phúc nhất là khi con cái còn có mẹ và mẹ có con cái bên cạnh.

Chị Châu Ngọc Thủy (phụ huynh em Lê Châu Ngọc Trinh, thành viên nhóm thực hiện dự án) xúc động nói: “Mặc dù các cháu chỉ là diễn viên nghiệp dư nhưng đã khắc họa sâu sắc các hoàn cảnh khác nhau. Trước những phận đời trớ trêu, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con cái vẫn luôn bình yên dưới vòng tay người mẹ. Còn người mẹ luôn sẵn sàng hy sinh, vượt gian khổ… để chở che cho con cái. Chỉ khi hiểu được những giá trị này, các cháu mới có thể diễn kịch thành công đến vậy”.

“Giáo dục về lòng mẹ thông qua dự án văn học nhằm hướng học sinh đến tình cảm gia đình. Đây được xem là tình cảm thiêng liêng nhất, từ đó khẳng định vai trò quan trọng trong giáo dục đạo đức, lối sống cho các em qua giờ ngữ văn”, cô Nguyễn Thị Kiều Oanh (Tổ trưởng bộ môn ngữ văn) nói.

So với tiết mục sân khấu hóa, các hình thức tranh vẽ, truyện tranh, tập san… không lấy nước mắt người xem nhưng mọi người tiếp tục cảm nhận tình mẹ – con ở nhiều khía cạnh khác nhau. Cụ thể, nhóm “Người đưa thư” đã tổng hợp, sắp xếp lại những bức thư của các thành viên trong lớp gửi mẹ thành tập san để các bà mẹ có thể đọc được tâm tư, tình cảm thầm kín khó nói thành lời của con cái. Nhóm “Trường âm” tham gia xây dựng kịch bản, tạo nên hai tác phẩm truyện tranh dành cho mẹ. Còn nhóm “Những chú ong họa sĩ” đã phối hợp vẽ nhiều bức tranh về tình cảm mẹ dành cho con. Riêng nhóm “Ước mơ nhỏ bé” lại thực hiện các clip phóng sự về ước mơ ta có mẹ bên cạnh, mẹ hạnh phúc khi có con, trong đó có mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cúc đang sinh sống tại quận 10…

Học sinh chủ động, hình thành các kỹ năng

Nhóm học sinh lớp 10C1 chia sẻ: Khi thực hiện dự án, các thành viên trong lớp được chủ động tìm hiểu sâu nội dung văn bản, thể hiện cảm nhận bản thân về văn bản dưới nhiều hình thức khác nhau. Qua đó chúng em hình thành được kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, khả năng tự soạn thảo văn bản, tìm kiếm, chọn lọc thông tin… Nhưng cái được lớn nhất là mỗi thành viên đã hiểu hơn về mẹ để biết yêu thương, trân quý mẹ và gia đình hơn. Từ đó hình thành ý thức sống có trách nhiệm trong học tập, cuộc sống, biết quan tâm, sẻ chia, trở thành người hữu ích cho xã hội.

Nếu nội dung Lòng mẹ khi truyền đạt trên lớp, học sinh chỉ mất 2 tiết để hoàn thành, còn khi thực hiện dự án, các em mất đến 1 tháng. Tuy nhiên, tất cả học sinh đều tham gia hết mình, vui vẻ và trách nhiệm. Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh (Tổ trưởng bộ môn ngữ văn) cho biết: “Ở phương pháp truyền thống, học sinh phải soạn bài theo hướng dẫn của giáo viên, ngược lại, học theo dự án mang đến sự chủ động cho các em. Từ đó, các em có được cơ hội thể hiện năng lực qua việc tìm hiểu kiến thức, đóng kịch, vẽ tranh, làm phóng sự… Vì thế, thời gian chuẩn bị khá dài nhưng các em vẫn thể hiện sự thích thú, tích cực mặc dù đây là lần đầu tham gia”.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Bình luận (0)