Bài giảng tương tác “Ôn tập văn học dân gian Việt Nam” trong chương trình Ngữ văn 10 được thiết kế bởi cô Kiều Mỹ Lan (giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) đã xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT” năm 2017.
Theo cô Mỹ Lan, trong những tiết học văn truyền thống, giáo viên (GV) là chủ thể, còn học sinh (HS) là quỹ đạo. Vì thế, HS thường tiếp thu kiến thức một cách thụ động, thiên về lý luận và thiếu kỹ năng thực hành. Khắc phục những nhược điểm trên, phần mềm ActivInspire giúp GV thiết kế bài giảng tương tác nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy – học khi sử dụng phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS. Lúc này GV sẽ trở thành người điều khiển và dẫn dắt tiết học.
Bài giảng “Ôn tập văn học dân gian Việt Nam” được thiết kế hướng đến các mục tiêu cụ thể: Ứng dụng CNTT; đa dạng hóa các phương pháp dạy học tích cực: tổ chức thảo luận nhóm, phát vấn – đàm thoại; giúp HS tìm hiểu đời sống sinh hoạt và tinh thần của nhân dân ta; củng cố hệ thống hóa kiến thức về văn học dân gian; vẻ đẹp và giá trị của văn học dân gian… Hiệu quả rõ rệt nhất của bài giảng là sử dụng hiệu quả CNTT cũng như phát huy tính chủ động, sáng tạo, trực quan, sinh động, bổ ích, nâng cao chất lượng dạy và học.
Cô Mỹ Lan chia sẻ: “Mỗi năm học nhà trường đều tạo điều kiện tốt nhất để GV đăng kí đi học các lớp học tập huấn, rèn kỹ năng CNTT do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức. Khi đã tiếp thu kiến thức về các phương pháp dạy học tích cực, các phần mềm hỗ trợ việc dạy học hiệu quả, GV sẽ bắt tay vào thiết kế và áp dụng cho các tiết học thực tế. Bên cạnh thuận lợi, trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn. ActivInspire là phần mềm mới GV phải am hiểu, đặc biệt là phải có một trình độ tiếng Anh nhất định. Hơn nữa hiện nay chưa có bài giảng mẫu, phải đầu tư thời gian tham khảo các bài giảng của nước ngoài. Thời gian đầu tư cho một bài giảng tương đối nhiều, từ 3-4 tuần. Ngoài ra, điều kiện thực hành của HS còn hạn chế nên trước khi cho các em tham gia bài học phải mất thời gian hướng dẫn kỹ năng sử dụng bút tương tác. Tuy nhiên, nếu HS được tham gia thường xuyên sẽ dễ dàng khắc phục”.
Về hướng phát triển bài giảng tương tác trong tương lai, cô Mỹ Lan cho rằng GV phải nỗ lực để thay đổi phương pháp, làm mới bài giảng mỗi ngày. Lợi thế của bài giảng tương tác là có thể tích hợp nhiều môn như Anh văn, lịch sử, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật… Bài giảng bắt buộc HS phải lên bảng để thực hành, bản thân các em cũng hứng thú, tiết học sinh động hơn. Lớp học chia thành nhiều nhóm, các nhóm có thể thi với nhau, hoạt động liên tục mà không thấy mệt mỏi.
Chỉ sau một thời gian chia sẻ trên mạng xã hội, chủ nhân bài giảng đã nhận được rất nhiều ý kiến của đồng nghiệp cũng như các em HS và được đánh giá là một bài giảng có sức sáng tạo, đầy nhiệt huyết. Theo đó, GV và HS quan tâm có thể xem video bài giảng tại: https://www.facebook.com/ttthongtin.hcm.edu.vn/posts/1043942395712099?pnref=story.
T.Anh
Bình luận (0)