Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Báo động trẻ đuối nước

Tạp Chí Giáo Dục

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, nếu tỷ lệ trẻ em tử vong do tự tử và bạo lực chỉ có 6%, té ngã và bỏng 11% thì tai nạn đuối nước lên đến 21% chỉ đứng sau tai nạn giao thông 27%. Thế nhưng, tình trạng trẻ em đuối nước trong mùa nắng nóng không hề giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.

Phụ huynh nên cho trẻ học bơi từ nhỏ để tránh đuối nước

Nguy cơ đuối nước rình rập

Gần đây nhất là vụ đuối nước thương tâm của 4 HS nữ cùng học lớp 6 tại Trường THCS Chu Văn An, tỉnh Gia Lai thực sự đem lại bàng hoàng và nhiều nỗi lo cho các bậc phụ huynh HS.

Trước đó, lúc 9 giờ 30 sáng 18-3, một nhóm 7 HS Trường THCS Võ Xán ra cầu Kiên Mỹ cũ trên sông Kôn (thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) chơi đùa rồi nhảy xuống sông tắm thì 1 em bị nước lớn cuốn mất tích.

Cũng trong tháng 3 tại Quảng Trị và Lâm Đồng cũng có 3 trẻ bị đuối nước khi đi tắm sông một mình và chèo thuyền ra hồ chơi mà không có người lớn canh chừng. Tại TP.HCM, tuy có rất ít sông ngòi và đông người qua lại nhưng trẻ vẫn có thể bị đuối nước ở bất kỳ lúc nào. Sáng 29-3 cháu Trần Thanh Bình (11 tuổi, quê Lâm Đồng) cùng 4 đứa trẻ khác ra sông Sài Gòn dưới chân cầu Bình Lợi cũ (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), để bơi. Trong lúc cả nhóm đang tắm sông, bất ngờ Bình bị nước cuốn ra xa, các em còn lại hốt hoảng hô hoán. Đến hôm sau lực lượng cứu nạn, cứu hộ thuộc Cảnh sát PCCC TP.HCM mới tìm được xác của bé cách cầu Bình Lợi cũ khoảng 500m.

Ông Nguyễn Văn Tính – Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết: “Trẻ em vốn thể lực sức khỏe và các phản xạ chưa phát triển toàn diện lại thường hiếu động tò mò, thích nghịch nước. Bên cạnh đó môi trường sống xung quanh có nhiều yếu tố nguy cơ như sông rạch gần nhà, có nhiều dụng cụ chứa nước sinh hoạt gần trẻ. Lũ lụt xảy ra bất ngờ hoặc thường xuyên”. Theo ông Tính, những nơi nguy cơ đó lại không hề có cảnh báo nên trẻ rất chủ quan dẫn đến tình trạng đuối nước là chuyện khó tránh.

Nhà trường và phụ huynh phải “tự bơi” 

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trung bình mỗi năm cả nước có 6.400 người bị đuối nước trong đó trẻ vị thành niên chiếm hơn 50%. Rõ ràng đây là một con số không hề nhỏ và đáng báo động.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trung bình mỗi năm cả nước có 6.400 người bị đuối nước trong đó trẻ vị thành niên chiếm hơn 50%. Rõ ràng đây là một con số không hề nhỏ và đáng báo động. 

Trong lúc đó, thực trạng dạy bơi cho trẻ vẫn là một bài toán nan giải. Hầu hết nhà trường và phụ huynh phải “tự bơi” khi dạy trẻ học bơi. Ở các vùng quê trẻ tập bơi tự phát không có người hướng dẫn nên chỉ bơi theo phản xạ và thói quen nên không đúng kỹ thuật. Hơn nữa thiếu người lớn trông coi nên trẻ dễ bị “giã gạo” khi ra chỗ sâu và đuối sức khi không có ai ra cứu. Tại các TP lớn nhờ sự quan tâm của phụ huynh nên nhiều trẻ được học bơi sau khi bước vào lớp 1 hoặc trước đó. Nhưng đây vẫn là cách cứu mình tự phát vì không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện và thời gian quan tâm chuyện dạy bơi cho con cháu mình. Tại một số trường học bơi đã đưa vào tiết thể dục nên mỗi tuần các em được xuống nước một lần. Khó khăn vẫn ở các trường chưa có hồ bơi trong khuôn viên nên phải thường thuê mướn các trường bạn và bể bơi các nhà văn hóa quận huyện. Không chỉ đóng tiền học bơi, HS còn phải mất cả tiền thuê xe chở đi cách xa vài cây số nên không phải gia đình nào cũng “đeo” được đến cùng. Cũng có trường hợp dạy bơi theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” các em học xong mấy khóa mà cũng không biết bơi. Một số phụ huynh ngại cho con em vào các hồ bơi công cộng để học vì nạn ấu dâm và lạm dụng trẻ vị thành niên mà một vài trường hợp đã gặp.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức dạy bơi trong nhà trường vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân như thiếu hồ bơi, thiếu giáo viên dạy bơi. Mặt khác, việc triển khai công tác phòng tránh tai nạn đuối nước trong nhà trường mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền nhận thức giáo dục hành vi. Gần đây một số tỉnh thành dạy bơi dưới nhiều hình thức như: dạy bơi trên cạn, mô hình lồng bơi trên sông. Tuy nhiên, cách làm này được đánh giá là chưa hiệu quả, chưa kể việc phụ huynh ngại cho con em tham gia các lớp học bơi vì sợ bị ô nhiễm. Theo ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD-ĐT) thì thời gian tới ngành giáo dục phải tạo điều kiện xã hội hóa trường học, thu hút các tổ chức, cá nhân vào xây bể bơi để dạy bơi cho HS. Ngoài ra, cần vận động phụ huynh, các tổ chức xã hội chung tay cùng nhà trường, phối hợp với các đơn vị, tổ chức có bể bơi, bố trí thời gian dạy bơi hợp lý cho HS. Tuy nhiên, để làm được như vậy rất cần sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội. Bởi nếu chỉ có ngành giáo dục cố gắng mà không được sự ủng hộ của phụ huynh và các tổ chức xã hội thì cũng khó để triển khai.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Bình luận (0)