Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vai trò của GVCN trong hướng nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Có thể nói, công tác hướng nghiệp nhằm phân luồng học sinh sau tốt nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho các em rất quan trọng, đặc biệt là ở bậc THPT. Vậy, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) có vai trò như thế nào trong công tác hướng nghiệp, đó là chủ đề chính của buổi trao đổi chuyên đề diễn ra ngày 2-4 tại Trung tâm giáo dục Tam Khôi (Q.5, TP.HCM) với phần trình bày của diễn giả Lê Thành Vĩnh (thành viên thường trực chương trình bồi dưỡng năng lực giáo viên Khơi nguồn sáng tạo).

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, có khoảng 60% sinh viên ra trường làm việc trái với ngành đã được đào tạo, trong số đó có 47,6% làm trái ngành vì không thích ngành mình đã học, điều này chứng tỏ công tác hướng nghiệp đã bị “bỏ quên” hoặc không mang lại hiệu quả như mong đợi. Đã có không ít những chương trình hướng nghiệp cho học sinh như tư vấn tại sân trường, tư vấn online hay phòng tư vấn học đường… nhưng có lẽ, hiệu quả của việc định hướng nghề nghiệp chưa cao, đôi khi các chương trình đang có sự lẫn lộn giữa tư vấn hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh, dẫn đến hệ quả là các em học sinh nghe tư vấn xong vẫn không biết mình phù hợp với ngành nào, nghề nào.

Bên cạnh các chương trình tư vấn hướng nghiệp được tổ chức hàng năm, GVCN có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Hơn ai hết, GVCN là người tiếp xúc với các em hàng ngày, biết được khá rõ lực học của các em, biết được ít nhiều tính cách, hoàn cảnh gia đình của mỗi em, do đó, họ là những người sâu sát các em nhất. Vậy, GVCN phải làm gì? Trong các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, GVCN phải thiết kế các tiết hướng nghiệp để giúp học sinh nhận thức được các thành tố quan trọng cần thiết trước khi xác định nghề nghiệp phù hợp như sở thích, điểm mạnh – điểm yếu, hoàn cảnh gia đình, xu hướng xã hội hay các giá trị cá nhân. Đối với từng em, GVCN cần theo dõi, trò chuyện giúp học sinh khám phá được điểm mạnh – điểm yếu, sở thích, thuận lợi và khó khăn trong gia đình cũng như xu hướng xã hội của nơi các em sống hoặc toàn xã hội. Muốn làm được như vậy, GVCN cần phải kiên nhẫn trong tiếp cận cũng như trong định hướng với học sinh, hỗ trợ các em với tất cả tình yêu thương và trách nhiệm của người thầy.

Tại buổi trao đổi, rất nhiều GVCN có kinh nghiệm băn khoăn: GVCN không được đào tạo để hướng nghiệp, cũng không được học một khóa tập huấn hướng nghiệp nào bài bản? Kênh nào là kênh chính thống trong hướng nghiệp để GVCN có thể tham khảo cũng như giới thiệu đến phụ huynh và học sinh? Câu hỏi này có lẽ cần sự hỗ trợ của nhiều cấp và nhiều ngành trong tương lai để giảm tình trạng học sinh học nhầm ngành, người lao động làm nhầm nghề…

Lê Lý
(Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM)

Bình luận (0)