Vừa qua, dư luận quan tâm đến việc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận ra đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn lịch sử cấp tỉnh lại có một nhầm lẫn sơ đẳng đến buồn cười là đưa “phong trào Cần Vương” vào phần lịch sử thế giới.
Học sinh THCS học lịch sử tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: D.Bình |
Xét ở góc độ một đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh, dù bỏ qua nhầm lẫn kia hoặc yếu tố cơ cấu thì các câu hỏi cũng cho thấy đây chưa phải là một đề hay.
Thứ nhất, đề thi còn nặng về học thuộc lòng. Trong các câu hỏi, có vài câu mang ý hoặc có vẻ phân tích, chẳng hạn, “em hiểu thế nào về phong trào Cần Vương”, “cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi gia nhập ASEAN”, “điểm giống và khác nhau cơ bản trong chủ trương cứu nước của hai nhà yêu nước này”… Trên thực tế đây cũng là những câu có thể trả lời theo sách vở, tức là thuộc lòng, chỉ có một ít kiến thức thực tiễn hoặc chỉ cần nêu vài thí dụ.
Thứ hai, các vấn đề đưa ra còn cho thấy “diễn biến một chiều”. Đề thi hoàn toàn theo “chiều thuận”, tức là với các vấn đề đã được đóng khung sẵn, như kiến thức về các sự kiện, các đánh giá mang tính đúc kết cao… Điều này cho thấy tính an toàn của đề thi nhưng không thể đánh giá được khả năng “lật vấn đề” ở góc nhìn tương đối khác đối với một sự kiện, một nhận định. Tất nhiên, ta không thể đưa vào đề thi những vấn đề còn tranh luận hoặc chưa sáng tỏ nhưng cũng nên có câu hỏi đề cập về những hướng nhìn khác nhau để buộc thí sinh phải tư duy nhiều hơn, có thể tạo ra sự hứng thú cũng như học hỏi được nhiều hơn từ kỳ thi.
Thứ ba, còn một số lỗi mang tính kỹ thuật. Ngoài các lỗi kỹ thuật như đã nêu ở phần đầu, còn có vài lỗi khác cũng khá ngô nghê. Như ở câu 3, phần đầu nêu “người lãnh đạo tiêu biểu nhất của phong trào Đông Du và cuộc vận động Duy Tân đầu thế kỷ XX là ai”, thì với câu hỏi này có chỗ không thực sự rõ ràng. Bởi nói “người lãnh đạo tiêu biểu nhất” dễ gây hiểu nhầm là chỉ một người hoặc Đông Du và Duy Tân chỉ là một; nếu có ý “gài bẫy” thì cũng chỉ là một cái bẫy quá hời hợt. Vì trong phần sau nêu “điểm giống nhau và khác nhau cơ bản trong chủ trương cứu nước giữa hai nhà yêu nước này” thì rõ ràng là đã có sự khu biệt đáp án cho phần trên, tức là chỉ có hai nhà lãnh đạo tiêu biểu nhất. Và, như vậy, đề thi đã gợi ý cho thí sinh chỉ cần nói về hai cụ Phan, đó là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, mà thôi!
Có thể nói việc ra đề thi học sinh giỏi môn lịch sử ít nhiều cho thấy tư duy về việc dạy môn học này trong nhà trường phổ thông, không chỉ ở Bình Thuận mà còn có thể ở nhiều địa phương khác. Đó là còn thiên về thuộc lòng các sự kiện, các nhân vật, ý nghĩa lịch sử, các văn kiện phải dẫn giải…, mà ít quan tâm đến việc phân tích, lý giải các sự kiện, việc rút tỉa các bài học lịch sử cũng như gắn với giai đoạn hiện nay. Đó là còn nặng về tách lịch sử với tính chất lịch sử là những gì thuộc về quá khứ và gắn liền với xã hội loài người, tức là những gì thuộc về xã hội loài người nhưng đã trải qua, không kể thời gian ngắn dài, ra khỏi cuộc sống đương đại. Học lịch sử theo lối đó chỉ để biết là chủ yếu, chứ ít có tính vận dụng, áp dụng vào thực tiễn hiện nay. Từ đó dễ sinh ra tâm lý cho cả người học và người dạy: cái gì thuộc về quá khứ biết được thì tốt, không biết cũng không sao, miễn là nắm vững những gì thuộc về hiện tại; khi đó, việc giáo dục truyền thống, giáo dục tinh thần yêu nước có thể gặp nhiều khó khăn.
Giáo dục lịch sử theo cách đó có thể làm người học thấy ít hứng thú, bởi nó khô cứng và gần như đã được đóng khung, sự gợi mở, “lật vấn đề” rất hạn chế.
Trúc Giang
Bình luận (0)