Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Chàng trai Ê Đê khởi nghiệp với hoa

Tạp Chí Giáo Dục

Ba lần thất bại, anh vác balô lên Đà Lạt cả tháng trời để học nghề trồng hoa. Hai sào hoa cúc nở mang đến những thu nhập kha khá đầu tiên.

Chàng trai Ê Đê khởi nghiệp với hoa
Vườn hoa cúc của anh Y Linh Niê có lãi hơn 100 triệu đồng/năm – Ảnh: THÁI THỊNH

Đó là câu chuyện về hành trình khởi nghiệp của anh Y Linh Niê (28 tuổi, thôn 4, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk). Anh từng là một trong những gương mặt trẻ đại diện của tỉnh Đắk Lắk được tuyên dương thanh niên tiên tiến “Làm theo lời Bác” toàn quốc lần thứ IV.

“Hành trình khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng với những người trẻ thiếu kinh nghiệm như tôi. Nhưng tôi luôn suy nghĩ nếu có đam mê, quyết tâm, kiên trì theo đuổi, tự rút kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại rồi thành công sẽ đến

Anh Y LINH NIÊ

Ba vụ thất bại

Với số tiền dành dụm được từ việc dạy võ và múa lân trong những năm học ĐH, khi tốt nghiệp Y Linh đầu tư nuôi gà và đào ao thả cá nhưng tất cả đều thất bại do dịch bệnh triền miên.

“Tình cờ lên mạng biết được mô hình trồng hoa ở những nơi khác vừa không tốn nhiều diện tích, vừa ít vốn nên tôi quyết tâm trồng thử. Tham khảo nhu cầu thị trường, tôi chọn hoa cúc để trồng vì có thể bán được quanh năm phục vụ nhiều mục đích như thờ cúng, trang trí” – anh Y Linh chia sẻ.

Thế rồi anh mua gần 2.000 cây giống hoa cúc từ một người bạn về bắt đầu trồng thử nghiệm. Thuộc lý thuyết nhưng do chưa có kinh nghiệm chọn giống, chăm sóc, phòng bệnh nên thất bại đầu tiên đã đến chỉ sau hai tháng.

“Một buổi sáng, tôi ra vườn phát hiện hàng loạt cây hoa bị héo rũ, tôi buồn khôn xiết. Cây xuất hiện những đốm trắng dưới mặt lá, nhiều chỗ đã chuyển qua màu nâu xám. Nghi bị nấm lá, tôi mua thuốc về phun nhưng do phun sai thuốc và không đúng thời điểm nên chỉ vài ngày sau hoa chết hết” – anh kể.

Tìm tòi học hỏi thêm về cách chăm sóc, anh Y Linh tiếp tục mua giống hoa cúc về trồng. Hai lần tiếp theo, tín hiệu khả quan hơn khi đã phòng tránh được sâu bệnh và cây bắt đầu nở hoa. Thế nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó.

“Hoa đã nở nhưng để bán được hoa thì còn một điều quan trọng nữa là điều tiết và canh cho hoa nở đúng dịp lễ hoặc ngày rằm. Hai lần liên tiếp dù đã nghe những người trồng hoa chỉ nhưng hoa tôi trồng vẫn nở sớm hoặc muộn quá nên ế ẩm, ít người mua” – anh Y Linh kể lại.

Liên tiếp ba vụ trồng hoa thất bại, anh trắng tay, gia đình và người thân khuyên anh nên từ bỏ. Nhớ lại, anh nói: “Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng mình cần phải đi học hỏi kỹ thuật trồng hoa một cách bài bản ở những người nhiều kinh nghiệm. Và điều quan trọng nhất là tìm nguồn vốn để bắt đầu làm lại bởi sau ba vụ thất bại tôi đã hết sạch tiền”.

Để có vốn, anh đã mạnh dạn vay Hội LHTN huyện Cư M’gar 20 triệu đồng lập nghiệp, rồi khăn gói lên đường qua Đà Lạt học nghề.

Một chuyến đi vỡ ra nhiều bài học

May mắn khi ở Đà Lạt, anh được người bạn giới thiệu gặp một chủ vườn có kinh nghiệm trồng hoa cho ở lại học nghề. “Theo dõi quá trình chăm sóc và được hướng dẫn từng bước, tôi mới “vỡ” ra nhiều điều. Hóa ra để hoa phát triển tốt và khỏe mạnh cần phải tỉ mỉ từng chút một: tỉ lệ phân bón, thời gian tưới nước, phun thuốc chứ không dùng một cách đại trà như trước đây” – anh Y Linh chia sẻ.

Cũng tại đây anh đã học được cách làm cho hoa nở đúng thời điểm theo ý mình. “Hoa cúc cũng có nhiều loại (đóa, pha lê, kim cương), mỗi loại lại ưa một kiểu thời tiết khác nhau, nhiệt độ quá cao, quá lạnh cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây. Phải nhạy cảm, tinh tế để phát hiện và kịp thời xử trí, tránh cây chết hàng loạt” – Y Linh cho biết.

Sau hơn một tháng học nghề, đầu năm 2013 anh quay về buôn áp dụng kỹ thuật, cách chăm sóc mới vào việc trồng hoa. Bắt đầu từ đây, những vụ hoa tiếp theo nở đẹp và đều. Y Linh trúng lớn khi hoa của anh được nhiều người biết đến và đặt hàng qua mạng online. Có vốn, anh tiếp tục mở rộng diện tích, thuê thêm 1 sào đất để trồng hoa.

Hoa bán chạy tạo cho anh nguồn thu nhập ổn định suốt ba năm nay. Chi phí đầu tư cây giống, phân bón, công chăm sóc hết khoảng 20 triệu đồng/sào. Giá bán 7.000 đồng/bó đối với hoa không bọc lưới, 17.000 đồng/bó có bọc lưới. Mỗi tháng vườn cúc cho thu hai đợt, một đợt thu hơn 8 triệu đồng. Với 3 sào cúc hiện tại, anh thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.

Anh dự định nếu có vốn sẽ đầu tư hệ thống nhà lưới trồng hoa theo mô hình công nghệ cao, vừa tăng năng suất, rút ngắn thời gian thu hoạch, vừa tránh được rủi ro do thời tiết thay đổi thất thường.

Chị H’ Băn Êban – phó bí thư Đoàn thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar – cho biết Y Linh cũng là người năng nổ trong các hoạt động thanh niên như hiến máu nhân đạo, ra quân làm đường, làm cầu, kêu gọi giúp đỡ người nghèo tại các thôn buôn, là bí thư chi đoàn thôn 4 (thị trấn Ea Pốk) suốt ba năm qua.

“Ở địa phương cũng có nhiều người trồng hoa nhưng phần lớn đều thất bại. Y Linh luôn nỗ lực, tìm tòi, ham học hỏi” – chị H’ Băn Êban nhận xét. Y Linh thường chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn các bạn khác ở địa phương có mong muốn khởi nghiệp tại quê nhà như anh.

THÁI THỊNH (TTO)

Bình luận (0)