Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phụ huynh không thể sống thay cho con

Tạp Chí Giáo Dục

“Cha mẹ có thực sự hiểu đúng về con cái” là nội dung chính của buổi trắc nghiệm định hướng ngành nghề do Kent International College (Kent Việt Nam) tổ chức cuối tuần qua tại 219-221 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.17, Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Chương trình thu hút đông đảo phụ huynh và học sinh đến tham dự.

ThS. Nguyễn Thị Hồng Loan hướng dẫn phụ huynh và học sinh thực hiện bài trắc nghiệm

Dưới góc nhìn tổng thể của ông Sử Ngọc Hoành (Chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực tư vấn đầu tư tài chính và ngân hàng kiêm giảng viên thỉnh giảng chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH), mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện đại ngày càng rời rạc. “Nhiều gia đình, trong đó cha mẹ sống cùng con cái trong một mái nhà nhưng cuộc sống bận rộn khiến cho họ không có điều kiện hiểu tính cách, sở thích, năng lực và ước mơ của con. Chính từ sự hiểu biết chưa thấu đáo đó, nhiều cha mẹ đã tư vấn sai, hoặc tạo áp lực thúc ép con phải học ngành không phù hợp với tố chất. Chọn sai ngành, tất yếu sẽ dẫn đến nguy cơ thất nghiệp, bỏ việc giữa chừng. Ở một số quốc gia, hệ lụy mà nó gây ra không chỉ ảnh hưởng đến vòng đời phát triển của mỗi cá nhân mà còn có tác động trực tiếp đến kinh tế – xã hội quốc gia và ảnh hưởng đến tình hình chính trị”, ông Sử Ngọc Hoành khẳng định.

Theo tiến sĩ tâm lý học John Holland – “cha đẻ” của Bộ công cụ trắc nghiệm nghề nghiệp nổi tiếng – bất kỳ ai trong xã hội cũng sẽ thuộc về ít nhất là một trong 6 nhóm tính cách đặc trưng, gồm: kỹ thuật, nghệ thuật, nghiên cứu, nghiệp vụ, quản lý và xã hội. Tại buổi trắc nghiệm định hướng ngành nghề, các cặp đôi tham dự chương trình (phụ huynh – con cái) được mời thực hiện cùng một bài trắc nghiệm có nội dung tương tự nhằm đánh giá mức độ hiểu biết thực sự của cha mẹ về con cái có trùng khớp với đáp án của con hay không. Kết quả, hơn 60% trường hợp cha mẹ đánh giá sai về sở thích, năng lực của con, đồng nghĩa với việc cha mẹ cũng xác định sai nhóm tính cách mà con thuộc về. Xác suất các cặp đôi có kết quả gần nhau khá ít.

“Cha mẹ nào cũng thương con, nhưng không thể vì thế mà quyết định nghề nghiệp tương lai của con theo ý muốn của mình”, ThS. Nguyễn Thị Hồng Loan (Hiệu trưởng Kent Việt Nam) nói.

ThS. Nguyễn Thị Hồng Loan (Hiệu trưởng Kent Việt Nam) nhận định: “Lâu nay, công tác hướng nghiệp thường tập trung vào đối tượng học sinh mà bỏ quên đi vai trò của các bậc phụ huynh. Họ cũng cần được hướng nghiệp chuyên sâu và đầy đủ để thay đổi quan niệm cởi mở hơn khi tư vấn chọn nghề cho con. Kết quả thu được không khiến chúng tôi bất ngờ mà nó là hồi chuông nhắc nhở cha mẹ nên dành thời gian quan tâm, gần gũi, tìm hiểu đứa con của mình sâu sát hơn. Các em rất mong mỏi sự cảm thông và khích lệ của cha mẹ trước khi chọn ngành nghề. Cha mẹ nào cũng thương con, nhưng không thể vì thế mà quyết định nghề nghiệp tương lai của con theo ý muốn của mình. Tôi mong mỏi có thể giới thiệu bộ công cụ trắc nghiệm này đến tất cả phụ huynh và các em học sinh phổ thông để thu hẹp khoảng cách giữa hai thế hệ và các em được trao quyền để quyết định tương lai”.

Chuyên gia Sử Ngọc Hoành chia sẻ những thông tin định hướng bổ ích

Chuyên gia Sử Ngọc Hoành chia sẻ thêm: “Học sinh có rất nhiều cánh cửa để vào đời và đây là thời điểm các em cần có sự tin tưởng vào bản thân và sự hậu thuẫn tốt nhất từ phía gia đình để có quyết định đúng. Xu hướng xã hội đang ngày càng quốc tế hóa và việc lựa chọn chương trình quốc tế chính là con đường ngắn nhất và nhanh nhất để hội nhập cùng thị trường tuyển dụng quốc tế”.

Có thể nói, chương trình đã đạt được thành công như mong đợi là thay đổi suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh khi đánh giá về con cái và vai trò của mình đối với sự phát triển lâu dài của con. Bản thân các em đã xác định được nhóm tính cách đặc trưng và những nhóm ngành nghề phù hợp nên học. Dự tính, Kent Việt Nam sẽ triển khai sâu rộng chương trình trắc nghiệm đánh giá này tại một số trường phổ thông trước thời điểm thi tốt nghiệp THPT 2017.

M.Ngọc

Bình luận (0)