Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lập dàn ý cho bài văn không khó

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh ngày nay không còn có thói quen lập dàn ý trước khi làm bài văn. Đó là do thiếu sự luyện tập, thiếu kỹ năng làm bài. Ngay cả những em dự thi học sinh giỏi môn văn, việc lập dàn ý hình như là một… cực hình nên các em cắm cúi viết và cuối cùng bài làm không đúng hướng theo yêu cầu đề ra. Mặt khác, giáo viên bộ môn cũng thiếu sự nhắc nhở, kiểm tra nên học sinh chưa chú trọng khâu lập dàn ý quan trọng này. Một chuyện thật như đùa rằng: do học sinh không chịu lập dàn ý, giáo viên bắt buộc nộp bài và nộp cả dàn ý kèm theo. Thế là khi các em viết bài xong lại hối hả… lập dàn ý để nộp kèm bài. Đúng là một “quy trình ngược” xảy ra trong giờ làm bài văn tại lớp.

Không riêng gì bài làm văn, khi chuẩn bị một bài thuyết trình, bài phát biểu trước tập thể lớp… đều phải có dàn ý. Không thể tùy tiện nghĩ đâu nói đó, nói trước quên sau, không có định hướng gì cả. Cũng như không thể tùy hứng nhớ đâu viết đó, viết lan man mà không có ý gì cả. Dàn ý là những ý chính của bài, được sắp xếp theo một hệ thống nhất định nhằm nêu bật chủ đề cần trình bày. Vì vậy, có dàn ý thì bài văn, bài phát biểu sẽ trôi chảy, mạch lạc, đi đúng hướng và mang tính thuyết phục cao.

Thực ra, việc lập dàn ý cho bài văn không khó như mọi người nghĩ. Sau khi đọc kỹ đề, hiểu đề thì chúng ta bắt đầu lập dàn ý. Trước tiên là tìm được những “từ khóa” để lập thành các ý chính. Tìm được bao nhiêu ý chính cứ viết ra bằng cách gạch đầu dòng cho nhanh. Lúc này, đầu óc còn tỉnh táo nên chúng ta có thời gian sắp xếp các ý thành một hệ thống. Những ý nào trùng lặp thì bỏ hoặc những ý nào gộp chung được thì chúng ta cứ gộp lại cho gọn… Cộng việc lập dàn ý phải được hoàn tất trong khoảng 15 phút (tập dượt, rèn luyện nhiều để tạo thành phản xạ viết).

Xong dàn ý, chúng ta rất tự tin và bắt đầu công việc “lấp đầy” văn bản. Từ ý chính, chúng ta tìm những ý nhỏ, những dẫn chứng, tư liệu để làm rõ vấn đề nêu ra. Như thế, bài làm của chúng ta đã đi đúng hướng, có bố cục rõ ràng, có kết cấu chặt chẽ. Có thể trong quá trình làm bài, chúng ta chưa phân tích, chứng minh hết các ý chính nhưng nhìn toàn bài, chúng ta đã đạt được những yêu cầu cơ bản của một bài làm văn. Đừng ngại khó mà không lập dàn ý của bài văn. Bởi không có dàn ý thì bố cục xộc xệch, kết cấu lỏng lẻo, bài không đi đúng hướng nên khó đạt điểm cao. Một điều cũng nên lưu ý là giáo viên bộ môn phải hướng dẫn tận tình; dạy có trách nhiệm, nêu rõ cái lợi khi bài có dàn ý và cái hại khi bài không lập dàn ý để học sinh thấm sâu, nhớ lâu và tạo thành thói quen phải lập dàn ý trước khi làm bài.

Lê Đức Đồng

Bình luận (0)