Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vui buồn phận ô-sin

Tạp Chí Giáo Dục

Cần một người giúp việc nhà là nhu cầu của đông đảo người dân sống tại các thành phố lớn. Có cần ắt có cung, từ đây bao câu chuyện dở khóc dở cười xung quanh câu chuyện ô-sin đã xảy ra…

Chị Lan đang sắp xếp đồ đạc trong buổi làm của mình

Nghề “hot” hiện nay

Người lao động nhàn rỗi từ các vùng quê đổ về các thành phố lớn, phần lớn những người này có độ tuổi khó xin việc vào các công ty, xí nghiệp… Thế nhưng, mỗi tháng họ vẫn bỏ túi riêng 3-5 triệu từ nghề ô-sin. Cơm chủ nuôi, ở nhà chủ không tốn bất kì một khoản phụ phí nào thì tính ra một năm để dành được 40-50 triệu không phải là một con số nhỏ đối với người dân ở quê. Có những người làm theo giờ và giá là 70.000 đồng/giờ .

Chị Lan (45 tuổi quê ở Huế) kể: “Từ nhỏ nhà nghèo không được ăn học, theo ba mẹ vào đây sống, lớn lên chỉ ở nhà phụ gia đình, rồi lấy chồng. Đến khi cơm áo gạo tiền nó quấn vào chân vậy là xin đi làm. Con gửi về cho bà ngoại, hai vợ chồng vào thành phố kiếm sống. Chồng thì đi kéo dây cáp, tôi xin làm giúp việc. Tôi phải tuân theo tất cả các nguyên tắc từ gia đình chủ, được chủ cho đi học nấu ăn. Đặc biệt là tôi không được ra ngoài làm ngồi lê đôi mách kể chuyện nhà với hàng xóm”.

Không chỉ những người ở quê quen với nết chịu thương chịu khó mà ngay chính cả những sinh viên mới ra trường cũng có nhu cầu xin làm công việc này. Các dịch vụ dọn nhà cũng đang dần hình thành và phát triển. Khách có nhu cầu gọi đến trung tâm và thực hiện hợp đồng thì hàng ngày đều có người đến dọn dẹp, nấu ăn, thay nước cho cá…

Bạn Hà My (23 tuổi, quê ở Quảng Bình) cho biết: “Mình tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm nhưng hiện tại chưa xin được việc làm. Ra trường, hơn tháng không xin được việc, mình xin đi làm giúp việc nhờ mình biết tiếng Anh nên mình xin làm cho một gia đình người nước ngoài. Công việc hàng ngày là dọn nhà, giặt phơi đồ, nấu ăn và đón hai bé con nhà chủ ở trường về vào lúc 4 giờ chiều, chơi với chúng, dạy chúng học tới khi chủ về thì mình có thể về nhà. Mỗi tháng mình cũng được trả 8 triệu. Mình không nghĩ đó là công việc làm mình xấu đi, mình tự nuôi mình trong khoảng thời gian mình không có việc làm hơn là ăn bám vào bố mẹ. Mới ra trường chưa có kinh nghiệm thì mình cũng không dám mơ cao lắm. Bố mẹ khi biết cũng trách, đòi mình về quê bố mẹ nuôi, nhưng mình thấy mình không làm sai nên mình vẫn cứ làm và tìm một cơ hội công việc khác”.

Những “luật lệ” không giống ai

Công việc này so với việc đồng áng trồng trọt thì làm người giúp việc nhà có vẻ như đỡ vất vả và dễ kiếm tiền. Thế nhưng, thời buổi bây giờ để thuê một người làm không phải dễ. Người hợp tính thì không được sạch sẽ, người sạch sẽ thì ngồi lê đôi mách, ăn vụng… người thì ra giá cao.

Chị Nguyễn Thị Nở (48 tuổi, quê Quảng Nam) đã làm giúp việc 5 năm tại một gia đình tại quận Tân Bình kể: “Tôi ở đây khi chủ nhà mới xây nhà mới, ngày đầu tiên của tôi đúng hôm chủ nhà làm tân gia. Mình tôi dọn dẹp, rửa 5 mâm cỗ bàn tới 2 giờ sáng mới xong. Thêm nhà chủ con nhỏ khó ăn dặt dẹo, mỗi lần ăn là phải tha đi khắp xóm chơi hết nhà này đến nhà kia chán thì lên công viên, ngày nào cũng như ngày nấy. Từ ngày tôi về đây làm là mẹ chúng giao hết cho tôi, đi làm về ăn xong là ngủ, mình tôi cho đứa lớn chơi, lo đứa nhỏ ăn, rồi cho chúng ngủ. Tôi cực như nuôi con mọn, con họ mà họ cứ tưởng trả tiền là xong!”.

Còn có những “luật lệ” kì cục từ chủ như không nghe điện thoại trừ 200.000 đồng, nấu cơm trễ 100.000 đồng… và không được qua hàng xóm buôn chuyện trong nhà. Không chỉ thế, các vật dụng trong nhà chủ phần lớn là những thiết bị hiện đại, cách sử dụng không hề đơn giản nên chuyện làm hư là không thể tránh khỏi. Nếu nhà chủ thông cảm thì đỡ phần nào không thì tự mua máy mới đền lại, nhiều khi làm không bù lỗ. Công việc nhàn nhưng không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”.

Chủ nhà vốn rất sợ người giúp việc mang chuyện trong nhà ra ngoài làm câu chuyện mua vui với hàng xóm như chị Thanh Tâm (quận Tân Phú) cho biết “Tôi sợ người giúp việc mang chuyện trong nhà nói ra ngoài, vợ chồng tôi cãi nhau thôi mà cả xóm biết, chiều đi làm về ai cũng khuyên tôi nên chín bỏ làm mười, làm lành với chồng. Vợ chồng thì làm sao tránh được cãi nhau, tôi xấu hổ không tả được nhưng cũng chỉ cười trừ, đã dặn người làm không mách lẻo nhưng mà chỉ được vài hôm rồi đâu cũng vào đấy”.

Vì miếng cơm manh áo nhiều người phải hy sinh, xa chồng xa con đi làm xa nhà, chỉ được về Tết vài ngày. Có thể nói, dù là một công việc lương thiện thế nhưng không phải ai cũng có thể thoát khỏi định kiến ô-sin là hầu hạ người khác. Người thì hồ hởi chấp nhận, người lại khá tự ti và mặc cảm…

Bài, ảnh: Phạm Quyên

Bình luận (0)