Theo ông Châu, chợ Tân Bình được xây dựng trước 1975, chưa được thẩm duyệt về phương án PCCC. Chợ có diện tích 22.000 m2 với hơn 2.000 hộ kinh doanh. Đa số sạp lấn chiếm lối ra vào. Hệ thống điện, PCCC chưa đảm bảo. Ngoài ra, 3 tuyến đường quanh chợ có hơn 100 hộ kinh doanh buôn bán bông, vải sợi, quần áo, nguy cơ tiềm ẩn rất cao.
“Tháng 10/2012, chợ bị cháy do người dân bất cẩn vứt tàn thuốc. Vừa qua HĐND TPHCM xuống kiểm tra, hệ thống PCCC của chợ không hoạt động do không có kinh phí”, ông Châu cho biết.
Trong khi đó, theo Đại tá Lê Tấn Bửu, giám đốc Cảnh sát PCCC, TPHCM có trên 240.000 cơ sở sản xuất kinh doanh kết hợp làm nhà ở, các cơ sở thu gom phế liệu trong khu dân cư có nguy cơ cháy nổ nhưng không Cảnh sát PCCC không có chức năng và thẩm quyền quản lý. Chức năng này là của chính quyền các địa phương.
Người đứng đầu lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM cũng chỉ ra hàng loạt bất cập như ngành điện chỉ chịu trách nhiệm đấu nối đến đồng hồ (công tơ điện). Dây dẫn và các thiết bị điện bên trong nhà người dân phó thác cho các thợ điện nên dẫn đến tình trạng câu mắc, sử dụng thiết bị điện tuỳ tiện, không đúng kỹ thuật, gây quá tải, chạm, chập điện dẫn đến cháy nổ. Trên 60% số vụ cháy ở TPHCM có nguyên nhân từ bất cẩn trong sử dụng điện.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng cho rằng có một “lỗ thủng” pháp luật, đó là nhà dân tuy cháy nhiều nhất nhưng khi cấp giấy phép xây dựng, Luật nhà ở không quy định các điều kiện và quy chuẩn về PCCC như các dự án đầu tư.
Huy Thịnh (TPO)
Bình luận (0)