Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bảo vệ tê giác bằng nhiều hình thức

Tạp Chí Giáo Dục

“Cứu tê giác”, “bảo vệ tê giác”, “bảo tồn tê giác” là những thông điệp khẩn thiết qua những bức tranh vẽ sinh động thuộc chương trình “Vẽ tranh tường nghệ thuật bảo vệ động vật hoang dã” được thực hiện ở quận 1. Trong thời gian qua, ngành y tế cũng đã khuyến cáo người dân không nên “tôn sùng” công hiệu của sừng tê giác một cách quá mức, để tránh lâm vào tình trạng “tiền mất, bệnh vẫn mang”.

Bức tranh với thông điệp “cứu tê giác” ở khu vực cầu Điện Biên Phủ (phường Đa Kao), là một trong 17 bức tranh thuộc dự án tuyên truyền bảo vệ loài động vật hoang dã này trên địa bàn quận 1

Tạo hiệu ứng tích cực

Chương trình “Vẽ tranh tường nghệ thuật bảo vệ động vật hoang dã” do Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) phối hợp với Quận đoàn quận 1 thực hiện, trong thời gian qua đã hoàn thành 17 bức tranh graffiti (tranh phun sơn) sinh động, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Các bức tranh được vẽ trên tường ở các tuyến đường và cả những con hẻm trên địa bàn quận 1, thuộc các phường Bến Thành, Đa Kao, Phạm Ngũ Lão, Bến Nghé, Nguyễn Thái Bình, Cầu Kho, Cầu Ông Lãnh. Tác giả thực hiện các tác phẩm nghệ thuật này là 2 nghệ sĩ graffiti người Pháp và các sinh viên giỏi hội họa ở TP.HCM.

Cái độc đáo của công trình này là mỗi bức đều khoác lên mình một sắc thái riêng. Với thông điệp “cứu tê giác”, bức tranh rất lớn có hai chú tê giác ở khu vực cầu Điện Biên Phủ (phường Đa Kao) được thể hiện với gam màu sắc sặc sỡ, rất bắt mắt. Cũng mang thông điệp này, bức tranh trên đường Phan Kế Bính lại thiên về miêu tả tình yêu động vật của trẻ con, với gam màu chủ đạo là màu hồng và xanh tươi tắn, bên cạnh chú tê giác là một bé gái mặc váy hồng đang âu yếm con vật mà em yêu mến. Nội dung của bức tranh trải dài dưới dạ cầu Bùi Hữu Nghĩa lại được thể hiện bằng hình ảnh chú tê giác đang được nâng niu, gìn giữ trong lòng bàn tay con người. Khác với những bức tranh vẽ ở các địa điểm trên, trong hẻm 60 Bùi Thị Xuân (phường Phạm Ngũ Lão), các tác giả đã sử dụng những gam màu sắc lạnh, u buồn để vẽ nên một chú tê giác mang ánh mắt giận dữ khi đã bị cưa mất sừng.

Được biết, sáng kiến tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã bằng tranh vẽ được khởi  đầu từ chị Thới Thị Châu Nhi, Giám đốc Chương trình CHANGE/WildAid Vietnam. Chị Nhi cho biết, khi thấy những bức tường nhếch nhác, bị vẽ bậy gây mất mỹ quan đường phố, chị đã nảy ra ý tưởng trên ngay vào lúc dự án về tuyên truyền bảo vệ tê giác đang có nhu cầu truyền thông đến cộng đồng.

Theo thầy thuốc ưu tú Lê Hùng (Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM), ông đã chứng kiến rất nhiều trường hợp bị ung thư, trong lúc tuyệt vọng đã mua sừng tê giác với giá trên trời về uống. Kết quả là tiền mất mà bệnh vẫn không khỏi, để lại gánh nặng tài chính rất lớn cho gia đình. Do đó, ông đã đưa ra đề xuất nên đưa sừng tê giác ra khỏi danh mục thuốc, để góp phần tránh những ngộ nhận về tác dụng của sừng tê giác và qua đó góp phần bảo vệ loài động vật hoang dã này.

Ủng hộ chiến dịch này, ông Hoàng Phong (ngụ phường 17 quận Bình Thạnh) cho biết, mỗi ngày đi tập thể dục qua khu vực cầu Điện Biên Phủ, ông lại thấy có nhiều người đứng xem tranh và tấm tắc khen. Theo ông Phong, việc sử dụng tranh vẽ để tuyên truyền là một sáng kiến rất hay, công trình này cũng là lời nhắc nhở cộng đồng cùng chung tay bảo vệ tê giác bằng những hành động thiết thực.

Sừng tê giác chỉ như sừng trâu

Theo khuyến cáo của các bác sĩ và chuyên gia trong lĩnh vực y học cổ truyền, sừng tê giác chỉ là một vị thuốc có tác dụng tương đương với sừng trâu và các loại sừng khác, nhưng thực tế đã bị những người buôn bán đồn thổi về công dụng “có khả năng chữa bách bệnh, thậm chí chữa được ung thư” khiến cho giá cả bị đẩy lên cao một cách chóng mặt, từ đó nạn săn bắn tê giác trái phép ngày càng trở nên nhức nhối.

Vào ngày 18-1-2016, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) Bộ Công an phối hợp cùng Cảng vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất đã phát hiện vụ vận chuyển sừng tê giác khủng từ Nghệ An vào TP.HCM. Qua giám định, cơ quan chức năng cho biết, sừng tê giác này còn nguyên khối, có tổng trọng lượng 4kg. Nếu được bán trót lọt ra thị trường thì giá trị của sừng tê giác này khoảng 4 tỷ đồng.

Nhằm giúp cộng đồng hiểu đúng về tác dụng của sừng tê giác và góp phần bảo vệ loài động vật hoang dã này, Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM đã phối hợp với các tổ chức cứu trợ hoang dã WildAid, Trung tâm CHANGE và Quỹ Động vật hoang dã Phi châu (African Wildlife Foundation) tổ chức buổi hội thảo “Tác dụng của sừng tê giác trong y học cổ truyền và các giải pháp thay thế sừng tê giác”. Tại hội thảo này, TS. Trương Thị Ngọc Lan (Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM) cho biết, trong đông y, sừng tê giác là một trong các vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Tuy nhiên, vị thuốc này hoàn toàn có thể thay thế nó bằng các vị thuốc dễ kiếm khác với chi phí thấp hơn rất nhiều mà tác dụng còn tốt hơn. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, sừng tê giác chỉ là một vị trong các bài thuốc phối hợp nhiều vị, chứ không bao giờ được dùng riêng (độc vị) như cách người ta vẫn làm là mài sừng tê giác ra uống để chữa bệnh. Bàn về vấn đề này, bác sĩ Trần Hữu Vinh (Trưởng phòng Quản lý y dược học cổ truyền, Sở Y tế TP.HCM) xác nhận, thực tế đã có nhiều trường hợp sử dụng sừng tê giác thấy có thuyên giảm triệu chứng, nên đã ngộ nhận về tác dụng chữa bệnh của nó. Chính sự ngộ nhận đó vô tình làm cản trở tính chính xác trong chẩn đoán y khoa, khiến bệnh nhân không được chữa trị kịp thời.

Bài, ảnh: Bích Vân 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)