Nhằm chấn chỉnh tình trạng tài xế xe ôm công nghệ vi phạm Luật Giao thông, gây mất ATGT cho người đi đường, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM đang triển khai đợt cao điểm xử lý các trường hợp vi phạm trong thời gian một tháng, từ ngày 15-11 đến 14-12-2019.
Hành vi vừa điều khiển xe vừa sử dụng điện thoại của xe ôm công nghệ sẽ bị xử lý nghiêm trong đợt tuần tra cao điểm
Xử lý nghiêm các hành vi gây mất ATGT
Theo kế hoạch đang được triển khai trong đợt cao điểm, các chiến sĩ thuộc Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM đã tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát trên tất cả các tuyến đường và chú trọng các hành vi vi phạm như lưu thông không đúng phần đường, chạy ngược chiều, phóng nhanh vượt ẩu, chạy quá tốc độ, chở 2 người trên xe, chở người không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở hàng hóa cồng kềnh, vừa điều khiển xe vừa sử dụng điện thoại di động… Trong các lỗi vi phạm này, có thể nói tình trạng tài xế xe ôm công nghệ sử dụng điện thoại di động để liên hệ với khách hàng, hoặc tìm đường đi vẫn diễn ra khá phổ biến. Tiêu biểu, vào ngày 18-11, một tài xế xe Grab Bike đến đón khách ở số nhà 132 Bắc Hải, phường 6, quận Tân Bình vẫn còn sử dụng giá đỡ điện thoại gắn trước đầu xe. Nhiệm vụ của tài xế này là chở khách cho một dịch vụ vận tải hành khách đưa đón tận nhà, nên suốt quãng đường lưu thông chưa đầy 3km, người này phải trả lời điện thoại 2 lần do bị nhà xe hối thúc. Mỗi lần trả lời điện thoại, người tài xế trên 60 tuổi phải buông tay ga để “quẹt” điện thoại được gắn trên giá đỡ bên phải đầu xe khiến phương tiện bị chao đảo trong lúc đường rất đông các phương tiện lưu thông hỗn hợp. Bên cạnh phương án sử dụng giá đỡ điện thoại gắn trước đầu xe máy, tình trạng các tài xế vừa đi vừa “dán mắt” vào điện thoại để tìm đường hoặc liên hệ với khách hàng cũng vẫn còn diễn ra ở nhiều khu vực.
Để chấn chỉnh hành vi vi phạm giao thông đối với các tài xế xe ôm công nghệ, CSGT TP đang tăng cường lực lượng trên đường cùng với các phương tiện hỗ trợ gồm camera giám sát, máy đo tốc độ, nhằm hỗ trợ cho quá trình xử lý tại chỗ hoặc “phạt nguội” đối với những trường hợp vi phạm. Để công tác này được triển khai nghiêm minh và công tâm, trước khi bước vào đợt cao điểm, từ ngày 5-11 đến 14-11-2019, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt đã phối hợp với các công ty cung cấp dịch vụ xe ôm công nghệ như Grab, GoViet, Be… nhằm đẩy mạnh tuyên truyền cho các tài xế về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ một cách tích cực nhất. Không chỉ tuyên truyền cho tài xế xe ôm công nghệ, lực lượng chức năng còn phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để phổ biến những hành vi vi phạm của tài xế và hoạt động của lực lượng CSGT để tiến tới triển khai tháng cao điểm trong sự đồng thuận của các cấp chính quyền cũng như toàn thể cộng đồng.
Sự an toàn phải là ưu tiên hàng đầu
Trong công tác vận chuyển hành khách, an toàn cho tính mạng của con người luôn là ưu tiên hàng đầu của bất kỳ loại hình giao thông nào. Vậy nên vụ tai nạn liên quan đến xe ôm công nghệ vào ngày 11-11 (ngay thời điểm CSGT thực hiện tuyên truyền) khiến cho vấn đề an toàn càng được quan tâm hơn. Nạn nhân của vụ tai nạn là Nguyễn Thị Kim Hà (39 tuổi, ngụ huyện Hàm Tân, Bình Thuận), khi ngồi trên xe máy (BKS: 38M1 – 343.61) do một tài xế xe ôm công nghệ điều khiển trên đường Đình Phong Phú (hướng từ đường Lê Văn Việt về đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9) thì xảy ra va chạm với phương tiện lưu thông ngược chiều. Hậu quả vụ tai nạn khiến chị Hà té đập đầu tử vong tại chỗ, tài xế xe ôm công nghệ bị xây xát nhẹ còn người đàn ông chạy xe chiều ngược lại bị thương nặng được người dân đưa đi cấp cứu.
Nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn đối với loại hình xe ôm công nghệ, tại Hội nghị Toàn quốc trực tuyến về ATGT 9 tháng đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia) yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Công an nghiên cứu xây dựng những quy định ATGT phù hợp, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đối với loại hình vận chuyển hành khách này. Đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định về dịch vụ vận tải bằng mô tô, xe gắn máy, trong đó có quản lý tài xế xe công nghệ trong thời gian sớm nhất. |
Theo nhận định của một thành viên đội CSGT khi đi tuần tra trong đợt cao điểm, ngoại trừ những nguyên nhân khách quan, thì tình trạng tài xế xe ôm công nghệ vừa chạy xe vừa sử dụng điện thoại là hành vi tham gia giao thông rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho bản thân và cho những người cùng tham gia lưu thông. Bên cạnh tình trạng vừa đi vừa “dán mắt” vào điện thoại, thì việc tài xế kẹp điện thoại vào giá đỡ trước đầu xe để có thể vừa chạy xe vừa “quẹt” để trả lời cuộc gọi là hành vi gây khó khăn cho CSGT trong việc chứng minh vi phạm để xử lý. Cảm nhận trong gần hai năm đi xe Grab đi học, em Phạm Tiến Đức (học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Khuyến, quận 10) cho biết con đường đến trường của em rất an toàn do tài xế điều khiển xe với tốc độ vừa phải, không phóng nhanh vượt ẩu và đặc biệt không khi nào vừa lưu thông vừa nghe hoặc xem màn hình điện thoại. Mỗi khi có cuộc gọi hoặc tin nhắn, người tài xế này đều tìm chỗ đỗ xe phù hợp ở vỉa hè. Đức cho rằng: “Với nhiều người cách làm này có thể mất thời gian và không thuận tiện, nhưng em thấy như vậy trước tiên là an toàn cho tài xế và nhất là an toàn tính mạng cho những hành khách chọn loại hình lưu thông tiện lợi này”.
Vũ Phương
Bình luận (0)