Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hoạt động ì ạch, doanh nghiệp công ích có nguy cơ thất nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Từng được xem là “bầu sữa”, nay các doanh nghiệp, đơn vị dịch vụ công ích của Hà Nội đang phải đối mặt với việc chậm lương và lo bị thất nghiệp khi thành phố tiến hành sắp xếp, thay đổi phương thức hoạt động của các dịch vụ công ích.

Hoạt động ì ạch, doanh nghiệp công ích có nguy cơ thất nghiệp
Công nhân của doanh nghiệp hoạt động công ích đối mặt với nguy cơ dôi dư lao động.

“Treo” lương và lo thất nghiệp

Cty TNHH MTV Công viên Thống Nhất, trước đây được giao thầu, đặt hàng để duy trì thảm cỏ, cây cảnh trên một số khu vực như: nút giao thông Kim Liên- Giải Phóng, vườn hoa Đàn Xã Tắc, tiểu cảnh bờ phải Sông Sét, phố Nguyễn Chí Thanh…. Thế nhưng khi thành phố có lệnh tạm dừng và thay đổi phương thức cắt cỏ, tỉa cây thì đơn vị này có trên 40 người lao động phải bố trí việc làm khác. “So với các đơn vị khác lên đến hàng trăm người lao động thì chúng tôi chỉ có khoảng trên 40 người phải bố trí công việc khác sau khi thành phố thay đổi phương thức cắt cỏ, tỉa cây. Hiện số lao động này đa phần được bố trí sang làm các công việc như bảo vệ, trông giữ xe ở công viên Thống Nhất. Sắp tới khi tiến hành cổ phần hóa, người lao động sẽ tiếp tục có xáo trộn”, vị cán bộ Công ty nói.


 

Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội là một trong những đơn vị trúng thầu dự án duy trì cây xanh thảm cỏ tuyến đường Đại lộ Thăng Long. Sau khi có lệnh tạm dừng cắt tỉa, hàng loạt công nhân, người lao động rơi vào cảnh “ngồi chơi, xơi nước” buộc phải nghỉ không lương. Được biết, đơn vị này có hàng trăm người lao động phải dừng hoặc nghỉ việc.

Mới đây, Hà Nội có văn bản về thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động tại Công ty Vườn thú Hà Nội. Theo đó, yêu cầu đơn vị này rà soát, giải trình quá trình, quy trình, thủ tục tuyển dụng đối với số lao động phải dừng, nghỉ việc theo quy định của Luật Lao động. Trong đó, lập phương án chi trả trợ cấp cho người lao động phải dừng, nghỉ việc.  Bên cạnh đó, đơn vị phải rà soát năng lực, trình độ người lao động có đủ điều kiện làm việc và có nguyện vọng chuyển sang làm việc tại Công ty Công viên cây xanh Hà Nội; thống nhất số lượng người lao động chuyển giao.

Thời gian qua, khoảng 3.700 cán bộ, công nhân viên của 5 Công ty thủy lợi Hà Nội cũng bị chậm lương, theo lý giải của các đơn vị này trong năm 2016, thành phố chỉ tạm thời đặt hàng bằng 40% giá trị đặt hàng so với năm 2014, dẫn đến việc công nhân, người lao động bị “treo” lương. Hơn nữa, theo quy định từ ngày 1/1/2017 sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi được chuyển từ danh mục phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá theo Luật phí và lệ phí có hiệu lực. Dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện giá dịch vụ công ích thủy lợi đang được đề nghị tháo gỡ.

Cần mở rộng đấu thầu, cạnh tranh

Đại diện Sở Tài chính cho hay, thời gian qua Hà Nội đã yêu cầu rà soát đơn giá sản phẩm dịch vụ công ích để đấu thầu thay vì phương thức đặt hàng truyền thống hàng năm như trước đây. “Kế hoạch là hoàn chỉnh hệ thống quy trình, định mức đơn giá để đấu thầu lĩnh vực dịch vụ công ích như thu gom vận chuyển rác thải, duy trì công viên, cây xanh, thoát nước và xử lý nước thải đô thị…. Việc đấu thầu ngoài phải đảm bảo lựa chọn được đơn vị có năng lực, kinh nghiệm, chất lượng duy trì tốt với chi phí hợp lý, phù hợp với các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, thành phố cũng giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động hàng năm của các doanh nghiệp, đơn vị dịch vụ công ích”, vị cán bộ cho biết.

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị (HĐND TP Hà Nội) cho biết, đối với các dịch vụ công ích trước đây áp dụng cơ chế dùng ngân sách đặt hàng, nên có nhiều bất cập. Mỗi năm, Hà Nội đã dành khoảng 4.000 tỷ đồng ngân sách chi cho các hoạt động công ích như duy trì vệ sinh môi trường, công viên, cây xanh, thoát nước, xử lý nước thải đô thị…. Phần lớn khoản chi này đều theo phương thức “đặt hàng” mà không qua đấu thầu, chào giá cạnh tranh. Tức là trước đây, các doanh nghiệp công ích của Hà Nội như Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà  Nội; Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội; Công ty Công viên, cây xanh; Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị; Công ty TNHH MTV Chiếu sáng đô thị… , đều được giao khối lượng công việc có giá trị từ hàng trăm tỷ đồng hằng năm, không phải đấu thầu cạnh tranh. Đáng chú ý là khối lượng công việc hàng năm này chủ yếu do các doanh nghiệp này tự xây dựng rồi trình các cơ quan phê duyệt. “Bộ máy của các doanh nghiệp này họ cũng phải cắt giảm phù hợp với việc đẩy mạnh cơ giới hóa máy móc, nâng cao năng lực để tham gia đấu thầu với công bằng với các doanh nghiệp bên ngoài”, vị này phân tích. 

Năm 2017, Hà Nội đã tiến hành giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động hàng năm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ công ích. Đơn cử, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội được giao chỉ tiêu doanh thu trên 312 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế trên 18 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu 7,18%. Về thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích, phải hoàn thành 100% kế hoạch đặt hàng của thành phố; Đối với Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội, chỉ tiêu doanh thu trên 70 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 3 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu 2,62%; Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng được điều chỉnh lại chỉ tiêu với doanh thu trên 622 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 12 tỷ đồng….

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị (HĐND TP Hà Nội) cho biết, đối với các dịch vụ công ích trước đây áp dụng cơ chế dùng ngân sách đặt hàng, nên có nhiều bất cập. Mỗi năm, Hà Nội đã dành khoảng 4.000 tỷ đồng ngân sách chi cho các hoạt động công ích như duy trì vệ sinh môi trường, công viên, cây xanh, thoát nước, xử lý nước thải đô thị…. Phần lớn khoản chi này đều theo phương thức “đặt hàng” mà không qua đấu thầu, chào giá cạnh tranh. 

Tú Anh (TPO)

Bình luận (0)