Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nở rộ kinh doanh đa cấp lừa đảo trên mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Hội thảo đảm bảo an ninh mạng, an ninh thông tin diễn ra trong hai ngày 4-5/4, Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng trên mạng tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều chủ website đa cấp sau khi thu đủ tiền thì đánh sập web và bỏ trốn.

Nở rộ kinh doanh đa cấp lừa đảo trên mạng
Cơ quan Công an đọc lệnh bắt, khám xét 2 đối tượng hack nick Facebook để lừa đảo tại Huế tháng 6/2016. Ảnh: cand.com.vn.

Nhiều thủ đoạn mới

Đại tá Đỗ Anh Tuấn chia sẻ, các hệ thống website bán hàng đa cấp đang có xu hướng nở rộ ở các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế. Điển hình như vụ Công ty Cổ phần dịch vụ và hỗ trợ nhân đạo Anh Minh lập trang web hoạt động theo mô hình đa cấp, huy động vốn. Từ tháng 11/2015 đến tháng 2/2016, chúng kêu gọi được 1.126 người tham gia, huy động được 28,323 tỷ đồng, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Đại tá Đỗ Tuấn Anh cho biết, trong quá trình huy động người tham gia vào mạng lưới, các chủ website thường thể hiện độ hoành tráng như lựa chọn các khách sạn sang trọng để tổ chức hội thảo, mời lãnh đạo cao cấp trong các cơ quan công quyền tham dự, mời phóng viên của các báo có tên tuổi viết bài, đưa tin. Lợi dụng lòng tham, các đối tượng này kéo được nhiều khách hàng tham gia đầu tư với lợi nhuận hứa hẹn lên đến hàng ngàn %. Tuy nhiên, họ không thực hiện kinh doanh hoặc kinh doanh những mặt hàng sinh lời không cao nên không thể tạo ra lợi nhuận như cam kết. Tiền hưởng lợi của người tham gia chủ yếu là lấy của khách hàng sau trả cho người nộp trước cho đến khi không còn khả năng thanh toán hoặc đã gom được số tiền lớn, các đối tượng này đánh sập website và bỏ trốn.

Đại tá Đỗ Anh Tuấn cũng chia sẻ thêm, hiện nay việc chiếm đoạt tài sản qua mạng internet có nhiều phương thức mới nổi lên, điển hình như người nước ngoài câu kết với các đối tượng trong nước gọi điện thoại giả danh công an, viện kiểm sát yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra rồi lừa đảo. Xuất hiện các đối tượng đăng tin cho thuê nhà đất ảo, yêu cầu đặt cọc tiền hay giả mạo người nước ngoài kết bạn, làm quen, gửi quà, sau đó giả mạo làm nhân viên hải quan yêu cầu nộp phí. Có nhiều trường hợp lập tài khoản email giống tài khoản email của đối tác kinh doanh gửi đề nghị chuyển tiền theo hợp đồng kinh doanh, sau đó thay đổi tài khoản hưởng thụ và chiếm đoạt.

Đại tá Đỗ Anh Tuấn nhận định, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm an ninh, an toàn mạng internet đang có nhiều diễn biến phức tạp với thủ đoạn mới tinh vi, việc cấu kết với tội phạm nước ngoài thực hiện phạm tội có xu hướng gia tăng tạo thành các đường dây tội phạm xuyên quốc gia, xâm phạm đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Năm 2016, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao phát hiện 206 vụ/619 đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra các cấp khởi tố 159 vụ/552 đối tượng, tăng 8,5% so với năm 2015. Tuy nhiên, ông Đỗ Tuấn Anh cũng thừa nhận, đây chỉ là phần nhỏ của tội phạm xảy ra trên thực tế.

Mối nguy từ mã độc

Đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao nhận định, thời gian tới, các hành vi lừa đảo trên mạng xã hội sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là qua Facebook, Zalo và Viber.

Theo Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an, sự phát triển của không gian mạng làm nảy sinh nhiều nguy cơ, thách thức mới đối với an ninh quốc gia cũng như an toàn, lợi ích của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới với 58 triệu người dùng internet (chiếm hơn 62,7% dân số), đứng đầu Đông Nam Á (ASEAN) về số lượng tên miền quốc gia, xếp  thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 8 châu Á và thứ 30 thế giới về địa chỉ IPv4 (tính đến tháng 12/2016).

Trung tướng Hoàng Phước Thuận chỉ ra một số xu thế gia tăng như hoạt động tấn công mạng vào các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu tăng cả về quy mô và tính chất nguy hiểm. Mỗi năm, có hàng nghìn trang mạng của nước ta bị tin tặc tấn công, chỉnh sửa, chèn, thêm nội dung, cài mã độc, trong đó có hàng trăm trang tên miền .gov.vn của các cơ quan nhà nước. Riêng năm 2016, có tới gần 7.000 trang/cổng thông tin điện tử của nước ta bị tấn công.

Ngoài ra, cùng với phần mềm gián điệp, mã độc sẽ trở thành mối đe dọa thực sự. Các hệ thống mạng trọng yếu, các hệ thống điều khiển công nghiệp tự động trong ngành hàng không, ngân hàng, dầu khí, điện lực tiếp tục là mục tiêu tấn công của tin tặc, trong đó có hoạt động khủng bố, phá hoại. 

Các chuyên gia tại hội thảo chỉ ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn, an ninh trên mạng, trong đó nhiều nguyên nhân chủ quan xuất phát từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân như cổng thông tin điện tử, website, hệ thống mạng thông tin chưa được xây dựng theo một tiêu chuẩn thống nhất, thiếu sự kiểm định về an ninh thông tin, an ninh mạng, các phần mềm và thiết bị phần cứng tồn tại lỗ hổng bảo mật nhưng chưa được khắc phục kịp thời, tình trạng sử dụng phần mềm không có bản quyền còn phổ biến.

Nguyễn Hoài (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)