Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bảo tồn và phát huy bánh dân gian Nam bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Làm sao để gắn kết các nghệ nhân, các nhà sản xuất bánh dân gian Nam bộ với phát triển các loại hình du lịch sinh thái? Đưa những sản phẩm dân gian đến với khách hàng trong và ngoài nước? Là vấn đề đặt ra tại Hội thảo: “Bành dân gian Nam bộ – Bảo tồn và phát huy thông qua các loại hình du lịch”, do Thành phố Cần Thơ tổ chức vào chiểu ngày 7-4-2017, trong khuôn khổ hoạt động của Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ năm 2017.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, GĐ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, phát biểu tại Hội thảo

Ẩm thực Nam bộ luôn chứa đựng một thế giới sản vật chan hòa chất liệu, đậm đà hương vị của vườn rộng sông dài với hàng trăm loại bánh biến tấu từ gạo, dùng trong các ngày lễ, Tết, hội hè và là món ăn thường ngày trong gia đình như bánh xèo, bánh ít trần, bánh hỏi, bánh phồng nếp, bánh da lợn, bánh lá tre… Tuy nhiên, trong thời hội nhập, nhiều món ăn phổ biến của thế giới đã kéo gần văn hóa ẩm thực giữa các quốc gia, trong khi hầu hết bánh dân gian Nam bộ, du khách muốn thưởng thức phải đến tận nơi bởi sản phẩm được chế biến từ người bản địa với đặc trưng gia vị cũng như trong cách chế biến.

Lễ hội bánh dân gian Nam bộ là sự kết nối mang tính tiền đề, tạo cầu nối giữa du khách và nghệ nhân. Qua 5 lần tổ chức, nhiều món ngon của Cần Thơ trở thành thương hiệu như: bánh tét Sáu Trọng, Chín Cẩm, bánh phu thê Xíu Tiên, bánh hỏi mặt võng Út Dzách… Nhưng việc kết nối với du lịch chưa thật sự hiệu quả. Ngoài các điểm: Cồn Sơn, nhà vườn sinh thái và lò bánh hỏi mặt võng Út Dzách, vườn du lịch sinh thái Vũ Bình, Út Hiên Homestay… đã chủ động xây dựng không gian trải nghiệm cho du khách thông qua nhiều chương trình như thử tài làm bánh, thưởng thức bánh dân gian… phần lớn các cơ sở còn lại vẫn chưa kết nối được với du khách. Hiện TP.Cần Thơ chỉ có 2 làng nghề liên quan đến bánh dân gian Nam bộ là Làng bánh tráng Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, sản phẩm phục vụ thị trường trong và ngoài nước, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động, thu nhập bình quân từ 80.000 đồng đến 140.000 đồng/ngày; xóm Cơm Rượu, xã Trung Thạnh cũng ở Thốt Nốt.

Một số loại bánh dân gian

Theo các đại biểu, việc áp dụng và đổi mới công nghệ tại các cơ sở sản xuất còn chậm, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, giá thành và tính cạnh tranh của sản phẩm. Năng lực, kinh nghiệm quản lý sản xuất, kinh doanh của các chủ hộ, cơ sở sản xuất; trình độ kiến thức, tay nghề của người lao động trong các làng nghề còn hạn chế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đây là khó khăn lớn khiến sản xuất làng nghề và bánh dân gian chưa đáp ứng những chuẩn mực quốc tế. Mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn với nhà khoa học, nhà đầu tư và thị trưởng còn lỏng lẻo. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ cho biết: “Các nông hộ, doanh nghiệp còn gặp nhiều trở ngại trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư đổi mới kỹ thuật, mẫu mã nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Các làng nghề có thói quen sản xuất theo lối truyền thống, hộ gia đình, qui mô nhỏ lẻ, manh múm nên sản phẩm làm ra không đồng đều, chất lượng chưa cao. Thiếu liên kết về tổ chức đã hạn chế khả năng phát triển. Đa số các chủ cơ sở không có cơ hội tham gia xuất khẩu trực tiếp, thường phải qua nhiều khâu trung gian nên không nắm bắt đầy đủ yêu cầu của khách hàng về mẫu mã, chất lượng, giá cả”.

Bánh tít nếp nước cốt dừa Thị trấn Phong Điền, TP.CT (biến tấu của bánh ít); bánh làm bằng gạo nếp, đậu xanh, bột mì, lá cẩm, lá dứa, gói bằng lá dừa nước được rất đông du khách ưa thích

Qua thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng: Cần nhiều biện pháp để khắc phục các hạn chế trên như: Tuyên truyền vận động các hộ làng nghề,  nghệ nhân thực hiện sản xuất an toàn thực phẩm theo qui định và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm chất lượng và an toàn thực phẩm. Người sản xuất  phải nhanh nhạy nắm bắt thông tin, thị hiếu và nhu cầu của thị trường để điều chỉnh sản xuất, tăng chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Một trong  những yếu tố quan trọng nhất là đầu ra. Ông Nguyễn Khánh Tùng cho rằng: “Muốn vậy, cần phải kết hợp với các chương trình xúc tiến thương mại, du lịch của TP. Cần Thơ, tăng cường quảng bá và mở rộng thị trường. Các ngành liên quan hỗ trợ xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó làng nghề phải liên kết với các công ty du lịch dã ngoại để xây dựng tour du lịch. Tại điểm du lịch nhà vườn sinh thái, nên có chương trình mời khách tham quan trải nghiệm thử làm bánh cùng nghệ nhân và thưởng thức bánh. Như vậy du khách được trải nghiệm thú vị, người làm bánh có thu nhập ổn định; đó là kết quả mong muốn từ mô hình liên kết, hợp tác phát triển du lịch kết hợp duy trì và bảo tồn bánh dân gian”.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ nêu giải pháp: Các cơ quan chức năng cần quy hoạch, tập hợp các hộ sản xuất bánh dân gian trong các hợp tác xã, tổ hợp tác, qua đó nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư về máy móc thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất và khâu bảo quản.

Ký kết biên bản ghi nhớ giữa đại diện khu du lịch sinh thái Cồn Sơn, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ với các công ty du lịch lữ hành

Bà Lê Đình Minh Thi, Giám đốc Công ty Du lịch Viettravel, đề nghị: “Phần lớn bánh dân gian có đặc trưng là ăn ngay khi mới làm xong, để lâu không ngon hoặc bị hư. Do vậy tôi cho rằng chúng ta cần tổ chức cuộc thi làm bánh dân gian giữa các nghệ nhân, từ đó chọn ra người làm món bánh đó ngon nhất, tiến hành xây dựng thương hiệu cho người đó và sản phẩm đó. Cần xây dựng bản đồ ẩm thực với những đặc sản của Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng TP. Cần Thơ, cần tổ chức những phiên chợ du lịch liên quan đến bánh dân gian với sự cố định của những phiên chợ này. Các công ty du lịch chúng tôi sẽ xây dựng những tour du lịch gắn liền với làng nghề và bánh dân gian, theo bản đồ ẩm thực”.

Theo soạn giả Nhâm Hùng: “Với sự lấn sân mạnh mẽ của các loại bánh công nghiệp, các lò bánh dân gian Nam bộ ngày càng thu hẹp; rất nhiều thợ bánh giải nghệ. Giờ đây hầu hết các cô gái, bà nội trợ trẻ không biết làm bánh. Nhiều bạn trẻ ở đô thị xa lạ với bánh dân gian. Chúng ta phải làm sao để bánh dân gian trở lại vị thế truyền thống trong gia đình, và đủ sức cạnh tranh, giành thị phần trong và ngoài nước? Muốn vậy phải xây dựng nhiều thương hiệu mạnh, nhiều nhãn hiệu bánh có uy tín. Như vậy phải cần nhiều cách làm sáng tạo, nhưng trên tất cả là tấm lòng, là sự quan tâm đến sự tồn vong của một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng Nam bộ. Nếu có được sự đồng lòng, chung sức giữa các ban ngành, kết nối với các nghệ nhân, tôi tin: mục tiêu bảo tồn, phát huy, phát triển bánh dân gian Nam bộ sẽ gặt hái thành công”.

Đan Phượng

Bình luận (0)