Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trách nhiệm của “người mở đường”

Tạp Chí Giáo Dục

“Cuộc cách mạng 4.0 là thời cơ thuận lợi nhất để ngành GD-ĐT thay đổi cách dạy, cách đánh giá người học. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý phải thay đổi cách nhìn và có một vai trò mới trong công tác quản lý cơ sở”.

Quang cảnh buổi hội thảo

Đây là khẳng định của TS. Hồ Thiệu Hùng tại Hội thảo khoa học “Vai trò người cán bộ quản lý giáo dục trong việc xây dựng và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” do Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận phối hợp với Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức ngày 8-4. TS. Hồ Thiệu Hùng đánh giá, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực sẽ khó thay đổi nếu như người cán bộ quản lý giáo dục không thay đổi kịp tầm quản lý của mình.

Thay đổi tầm nhìn và chiến lược quản lý

Theo TS. Hồ Thiệu Hùng, dạy học theo phương pháp truyền thống trước đây có nhiều ưu điểm nhưng không còn phù hợp với xu thế phát triển của thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức cho người học mà còn phải biết hướng dẫn cho học sinh tự học, biết phát huy khả năng sáng tạo của bản thân. Giáo viên phải là người hướng đạo biết nêu vấn đề để cho người học tự giải quyết. Do đó, người thầy hơn ai hết phải thay đổi cách nhìn, cách đánh giá học sinh chứ không thể theo góc độ một chiều như trước đây. Vì thế đòi hỏi của ngành GD-ĐT trong xây dựng và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà quản lý phải thay đổi cả tầm nhìn và chiến lược quản lý để phù hợp với nhu cầu của cuộc cách mạng đổi mới mạnh mẽ này. Nếu đội ngũ nhà giáo là người nhận đường thì người cán bộ chính là người mở đường soi lối để việc thực hiện theo đúng hướng dẫn của kim chỉ nam. Thực tế cho thấy do cách quản lý theo lối mòn, không chịu cải cách nên nhiều giáo viên vẫn phải vất vả trong cách đánh giá và quản lý học sinh. Đó là câu chuyện của nhiều giáo viên bậc tiểu học khi phải đánh vật với mớ sổ sách trong việc thực hiện quy định hành chính về hồ sơ. Nếu nhà quản lý tiếp cận công nghệ hiện đại thì việc tận dụng CNTT thông qua máy móc để thực hiện việc quản lý rất dễ dàng và khoa học. Thực tế cho thấy ở các đơn vị giáo dục việc sử dụng CNTT hiện đại tích cực vào công tác quản lý đã giúp cho giáo viên nhàn nhã hơn vì cải thiện được sự vất vả.

Tại hội thảo, GS.TSKH Thái Duy Tuyên đã khẳng định một lần nữa về vai trò của 4 cuộc cách mạng công nghệ làm thay đổi nhanh chóng đời sống sản xuất xã hội loài người. Soi chiếu vào những đổi mới của Chính phủ, TS. Thái Duy Tuyên nhấn mạnh việc thay đổi thể chế theo hướng phục vụ phát triển khoa học – xã hội, chú trọng chọn người tài và phát động tinh thần khởi nghiệp. Yêu nước, cần kiệm, hiếu học, nhân ái, hữu nghị, hợp tác, liêm chính, trung thực, kỷ luật là những phẩm chất cần có của sản phẩm giáo dục trong thời đại ngày nay. Bên cạnh đó con người mới phải có năng lực về kiến thức, khoa học công nghệ hiện đại, có kỹ năng thực hành, kỹ năng vận dụng kiến thức.

Dân chủ, minh bạch trong điều hành

Ông Nguyễn Đông Tùng (Phó Chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận) cho rằng vai trò của người cán bộ quản lý phải được thể hiện cụ thể ở từng địa phương để góp phần xây dựng nguồn nhân lực và đề cao vai trò của người cán bộ giáo dục. Theo ông Tùng, đây là những yêu cầu đòi hỏi “người trong cuộc” phải tự đổi mới về mình nên sẽ gặp khó khăn. Trước hết người cán bộ quản lý tự rèn luyện bồi dưỡng để tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên nâng cao trình độ và đổi mới phương pháp giảng dạy. Đó cũng là trách nhiệm và sự tự điều chỉnh của mỗi bản thân thông qua sự tự nhìn nhận và tự thay đổi. Làm sao để thu hút và phát huy khả năng đội ngũ giáo viên. Đảm bảo thể chế dân chủ, công khai minh bạch trong quản lý điều hành. Thực hiện chế độ chính sách một cách dân chủ công bằng, không thiên vị. Đây là điều khó nhưng có như vậy mới huy động được sức mạnh tập thể. Không chỉ quan tâm các cơ sở giáo dục công lập mà còn chú ý tới sự phát triển của các cơ sở ngoài công lập, các đơn vị trường học chuẩn quốc gia, xây dựng môi trường thân thiện tích cực, tạo mối quan hệ tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Với NGƯT.TS Ninh Văn Bình (giảng viên chính của Trường ĐH Sài Gòn), nhiệm vụ của nhà trường là phải giáo dục con người sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Đó là câu chuyện lá thư để lại của cậu học sinh vô tình làm hỏng chiếc kính xe hơi như một lời xin lỗi có ý thức về sai sót của mình dù không có chủ nhân ở đó. Đây là ý thức trách nhiệm với người khác, với cộng đồng trên tinh thần tự giác và tự chủ mà nhà trường phải giáo dục. Với người thầy không dạy áp đặt khuôn mẫu mà luôn tôn trọng ý kiến phản biện của học sinh để có sự tương tác hai chiều.

Trên tinh thần gợi ý của TS. Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM), hội thảo đã mở ra những ý kiến thảo luận với những hướng đi khác nhau từ cơ sở thông qua ý kiến các hiệu trưởng của nhiều bậc học từ mầm non đến tiểu học, THCS. Đó là những ý kiến được trải nghiệm qua thực tế nên có tính ứng dụng cao, hạn chế được tính hàn lâm của hội thảo. Từ lý luận và sách vở vai trò của nhà quản lý phải được ứng dụng như thế nào vào dạy học để đem lại hiệu quả cao nhất.

ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo (Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca 10) đánh giá vai trò của hiệu trưởng là tạo được không gian mở cho giáo viên tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng thường xuyên, tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý, kỹ năng nghề nghiệp. Có như thế mới nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tại đơn vị, chuẩn bị cho ngành lực lượng kế thừa chất lượng cao.

“Trong quá trình điều hành, người cán bộ quản lý như một nhà thông thái “cầm cân nảy mực” chú trọng rà soát, đánh giá, phân loại năng lực giáo viên của nhà trường, lấy đó để làm căn cứ dựng kế hoạch, đưa ra các biện pháp bồi dưỡng đầu năm học, giúp đỡ, động viên để giáo viên hoàn thành tốt công việc được giao”, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hương Sen Nguyễn Thị Ngọc Cẩm khẳng định. Nhìn vào bình diện chung, quá trình đổi mới quản lý hoạt động giáo dục toàn diện học sinh là sự chuyển biến về văn hóa chất lượng. Bằng nhiệt tình và bản lĩnh quản lý, bằng tư duy năng động cùng ý chí đổi mới quản lý giáo dục, người cán bộ quản lý giáo dục là thủ lĩnh tài ba lãnh đạo tập thể sư phạm kiên trì và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục.

Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)