Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Di dời các trường ĐH, CĐ chậm trễ do đâu?

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi trung tâm và quy hoạch các trung tâm ĐH khép kín đạt chuẩn quốc tế là chủ trương lớn đã được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành quyết định từ năm 2006 và đến năm 2020 phải thực hiện xong. Tuy nhiên, đến thời điểm này tại TP.HCM đa số các trường vẫn “án binh bất động” với trăm ngàn lý do. Vậy nguyên nhân do đâu?

Bài 1: TRƯỜNG NHỎ, SINH VIÊN PHẢI “CHẠY SHOW” CHỖ HỌC

Khuôn viên chật hẹp, cơ sở chật chội, tạm bợ, ô nhiễm, kẹt xe… Đó là thực trạng chung của không ít trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM. Với tốc độ phát triển về quy mô như hiện nay, điều kiện cơ sở vật chất như thế này khiến các trường gặp không ít khó khăn trong hoạt động dạy và học.

Cơ sở chính của Trường ĐH CNTT Gia Định (số A15 – A19 đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7) cũng là cơ sở đi thuê. Ảnh: Q.Huy

Nhiều trường phải thuê mướn cơ sở

Theo báo cáo mới đây của Sở GD-ĐT TP.HCM với Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về tình hình hoạt động, phát triển các trường ĐH-CĐ-TCCN tại TP.HCM cho thấy, trên địa bàn TP còn nhiều trường chưa làm thủ tục chuyển sở hữu về nhà trường theo quy định. Một số trường có quyết định đặt cơ sở đào tạo chưa đúng quy định và một số trường có cơ sở đào tạo chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Nhiều trường có sử dụng phần lớn cơ sở hạ tầng thuê mướn để hoạt động và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đặt địa điểm đào tạo. So với cam kết thành lập, nhiều trường chưa có đủ đất thuộc sở hữu mà vẫn thuê mướn cơ sở, đào tạo tạm bợ.

Đơn cử như Trường ĐH CNTT Gia Định, được thành lập từ 2007, sau 20 năm vẫn phải đi thuê mướn cơ sở đào tạo (4 cơ sở), diện tích những nơi thuê mướn có quy mô nhỏ hẹp. Cơ sở chính của trường này tại số A15 – A19 đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Tân Phong, quận 7) cũng chỉ là khuôn viên của một vài căn nhà mặt phố ghép lại, không đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Hay như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (cơ sở tại TP.HCM), cơ sở vật chất cũ kỹ với diện tích nhỏ hẹp. Điều đáng nói là dù đã được TP cấp đất nhưng trường vẫn chưa “rục rịch” gì nên việc sinh viên phải học trong những phòng chật chội, nhỏ hẹp là không tránh khỏi.

Ngay như Trường ĐH Kinh tế TP – một trong những trường có số lượng sinh viên đông hàng đầu của TP.HCM – thì sinh viên cũng đang phải “chạy show” nhiều cơ sở khác nhau trong suốt khóa học. Hiện tại, trường này có tất cả 9 cơ sở đóng trên 5 quận thuộc TP và không có cơ sở nào có diện tích đạt chuẩn.

Một trường ĐH lớn khác là Trường ĐH Luật TP, có số sinh viên theo học cũng nằm trong tốp đầu các trường ĐH của TP, tuy nhiên hai cơ sở đào tạo (1 tại quận Thủ Đức và 1 tại quận 4) cũng không đáp ứng được việc đổi mới phương pháp dạy – học. Nhà trường cũng đã được UBND TP chấp thuận về việc xây dựng cơ sở tại phường Long Phước, quận 9 nhưng đến nay vẫn chưa xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó Trường ĐH Ngân hàng TP dù đã được cấp đất nhưng vẫn chưa tiến hành xây dựng vì chưa thống nhất được thủ tục và nguồn kinh phí…

Ngay cả những trường được Chính phủ quyết định cho thí điểm tự chủ từ năm 2015 đến nay vẫn không thoát khỏi tình trạng sinh viên phải học nhiều nơi do cơ sở mướn. PGS.TS Nguyễn Văn Phúc – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP cho biết, Trường ĐH Mở là một trong 4 trường tự chủ về tài chính của TP.HCM, (3 trường còn lại là ĐH Kinh tế; ĐH Tài chính Marketing và ĐH Tôn Đức Thắng – PV) việc thí điểm này là do từng trường chủ động đề xuất có đề án riêng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc tự chủ được tài chính giúp trường cải thiện rất nhiều từ nâng cao đời sống cho cán bộ, giảng viên đến đầu tư trang thiết bị, CSVC… phục vụ việc giảng dạy. Tuy nhiên, CSVC hiện vẫn chưa đáp ứng hết được việc dạy và học, việc phải thuê mướn cơ sở đào tạo là khó tránh khỏi.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐHSP Kỹ thuật TP.HCM – khẳng định: “Các trường ĐH hiện nay đều thiếu đất nên khuôn viên và phòng học của nhiều trường không đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó, không có trường nào đảm bảo đủ KTX cho sinh viên. Cách đây 5 năm, Chính phủ có đưa ra hình thức trái phiếu Chính phủ để lấy nguồn cho các trường xây KTX nhưng mới chỉ đáp ứng được một số ít trường ĐH trên địa bàn TP”.

Chưa đến mức phải đi thuê mướn nhưng nhiều trường CĐ trên địa bàn TP như CĐ Nghề TP; CĐ nghề Nguyễn Trường Tộ; CĐKT Cao Thắng… cũng không tránh khỏi tình trạng CSVC xuống cấp, trang thiết bị dạy học thiếu thốn.

Di dời ra ngoại thành

Việc các trường ĐH, CĐ cần đổi mới để không chỉ hợp với chuẩn Việt Nam mà còn tiến tới hợp chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT là điều cần thiết nhất lúc này. Do đó, chủ trương di dời các trường ĐH, CĐ từ trung tâm ra ngoại thành và vùng ven nhận được sự ủng hộ của giới chuyên môn và lãnh đạo các trường.

Theo đó, năm 2006 Thủ tướng Chỉnh phủ đã ký quyết định quy hoạch các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020. Theo Đề án quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020, Nhà nước sẽ hỗ trợ các trường về đất đai. Cũng theo kế hoạch, diện tích tối thiểu cho các trường ĐH, CĐ có quy mô 5.000 sinh viên là 10ha. Những trường có khoảng 15.000-25.000 sinh viên thì diện tích tối thiểu phải là từ 30 đến 40ha.

Sau khi quyết định này được công bố, TP đã lập quy hoạch xây dựng hệ thống trường ĐH, CĐ với tổng diện tích trên 2.200ha bao gồm: Khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi và Hóc Môn) 600ha; khu vực phía Nam gồm quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh khoảng 800ha; khu vực Đông Bắc TP (gồm quận 9, quận Thủ Đức) là 815ha. Tiến độ di dời khoảng 40 trường theo hai giai đoạn: 2011-2015 di dời 5 trường; giai đoạn 2016-2020 di dời các trường còn lại. TP đề nghị, cơ chế sử dụng hình thức BT (đầu tư – chuyển giao) để các nhà đầu tư góp vốn xây dựng trường mới và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cơ sở đào tạo cũ. Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng đến hàng rào khu ĐH.

Nhìn ở góc độ xây dựng, quy hoạch đô thị, TS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam – cho rằng, bên cạnh việc quy hoạch lại toàn TP, trong đó có quy hoạch các khu, làng ĐH làm cho bộ mặt kiến trúc của TP thay đổi một cách “chóng mặt”. Đó là điểm nhấn, thành tựu đặc biệt trong công tác quy hoạch đô thị của TP.HCM. Vì vậy, đẩy mạnh quy hoạch hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông thuận lợi thì chắc chắn các trường ĐH, CĐ họ sẽ di dời.

Ngày 31-3, khi trả lời Giáo dục TP.HCM những vấn đề xoay quanh việc di dời các trường ĐH, CĐ từ nội thành ra ngoại thành và vùng ven, ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP nhấn mạnh: “Cách đây 10 năm, TP đã có quy hoạch thành lập các khu ĐH tập trung. Đây là hướng “đột phá” của TP, giúp tháo gỡ tình trạng kẹt xe trong nội thành, giảm ùn tắc giao thông. Và đây cũng là yếu tố để TP phát triển bền vững, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng tốt cho các trường là nền tảng để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập nên TP luôn quan tâm đẩy nhanh tiến độ của các khu, các dự án này”.

Lê Quang Huy

Bình luận (0)