Cuối tuần qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ GD-ĐT và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới năm 2017 với chủ đề “Phòng, chống trầm cảm”. Hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của HS-SV về gánh nặng trầm cảm, xóa bỏ kỳ thị đối với rối loạn tâm thần nói chung, trầm cảm nói riêng và cách thức đơn giản, hiệu quả để dự phòng và giúp vượt qua trầm cảm.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong làm phần mềm giúp giới trẻ vượt qua trầm cảm tham dự cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật năm học 2016-2017 |
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng tàn tật, làm cho hàng triệu người bị giảm hoặc mất sức lao động. Theo WHO, toàn cầu hiện có trên 300 triệu người bị trầm cảm, hay cứ 25 người thì có 1 người bị trầm cảm. Riêng tại Việt Nam, năm 2015 ước tính có khoảng 3,5 triệu người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số. Điều đáng nói là số người bị trầm cảm tăng thêm 18% trong giai đoạn 2005-2015 do có sự gia tăng chung về dân số trên thế giới cũng như sự gia tăng người cao tuổi, là tuổi mà trầm cảm phổ biến hơn.
Bộ Y tế cho biết, tất cả mọi người đều có thể mắc trầm cảm, tuy nhiên rối loạn này xảy ra ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới. Thanh thiếu niên là một trong 3 nhóm tuổi có tỷ lệ mắc trầm cảm cao nhất, 2 nhóm còn lại là phụ nữ trước – sau sinh và người cao tuổi. Ở các nước có thu nhập cao, chưa tới một nửa trẻ vị thành niên có các vấn đề sức khỏe tâm thần được chăm sóc. Còn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, việc tiếp cận điều trị rất hạn chế.
Theo WHO, các bằng chứng cho thấy thuốc chống trầm cảm có thể làm gia tăng ý nghĩ tự tử ở vị thành niên. Do đó, WHO khuyến cáo các cơ sở y tế không kê đơn thuốc chống trầm cảm cho trẻ dưới 12 tuổi. Những trẻ này cần được can thiệp bằng liệu pháp tâm lý. Đối với thanh thiếu niên, WHO khuyến cáo các cơ sở y tế trước tiên áp dụng các can thiệp tâm lý như liệu pháp nhận thức – hành vi. Nếu các can thiệp này không hiệu quả, thì có thể cân nhắc dùng thuốc chống trầm cảm fluoxetine (không dùng thuốc chống trầm cảm khác). Vị thành niên dùng thuốc chống trầm cảm cần được yêu cầu quay lại khám hàng tuần, ít nhất là trong bốn tuần đầu, cùng với sự theo dõi thường xuyên trong suốt quá trình điều trị.
Trước khi chữa bệnh, làm gì để phòng bệnh, cải thiện sức khỏe tâm thần cho thanh niên? WHO cho rằng, các hoạt động giúp trẻ em và thanh thiếu niên tạo dựng khả năng thích nghi và kỹ năng sống có thể góp phần nâng cao sức khỏe tâm thần. Các bậc cha mẹ, nhà trường và tổ chức cộng đồng như câu lạc bộ thể thao và câu lạc bộ thanh niên có thể đóng vai trò quan trọng trong việc này. Đồng thời, các chương trình hỗ trợ nhằm tăng cường sự gắn kết giữa thanh thiếu niên và gia đình cũng rất quan trọng. Cần có đội ngũ cán bộ y tế – xã hội có năng lực và biết quan tâm để luôn sẵn sàng hỗ trợ trong những tình huống khó khăn.
Bộ Y tế khuyến cáo: Trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm; Để dự phòng trầm cảm: Bạn hãy TRÒ CHUYỆN với mọi người bởi vì trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và điều trị trầm cảm; Nếu bạn nghĩ rằng mình bị trầm cảm: Hãy tích cực giao tiếp với mọi người, hãy chia sẻ với ai đó mà bạn tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình. Bạn hãy tiếp tục làm việc, tích cực tập luyện thể dục thể thao, đồng thời tránh sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện; Khi cần trợ giúp chuyên môn: Hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe. |
Phát biểu tại buổi mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trầm cảm hiện đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên toàn cầu cũng như Việt Nam. Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung ở nước ta đã từng bước được quan tâm nhưng hoạt động phòng, chống trầm cảm nói riêng còn nhiều khó khăn. Các chương trình can thiệp mới chỉ triển khai thí điểm tại một số địa phương trên quy mô nhỏ. Do đó hiện nay, những người bị trầm cảm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện, quản lý điều trị và chăm sóc đầy đủ. Đa số người dân còn chưa có hiểu biết đúng về bệnh này dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử với người trầm cảm.
Ông Long khẳng định, Bộ Y tế luôn coi trầm cảm là một vấn đề ưu tiên trong chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần. Để dự phòng và kiểm soát trầm cảm hiệu quả, ngành y tế cần đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông để người dân nhận thức đúng về bệnh; cách nhận biết, phát hiện sớm để đi khám, tư vấn và điều trị kịp thời…
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, có quy định, hướng dẫn cụ thể giúp học sinh thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, trang bị kỹ năng sống, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau…
Minh Châu
Bình luận (0)