Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường ĐH đang “tận tuyển”?

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây có những trường ĐH lọt vào bảng xếp hạng thế giới, đứng thứ nhất, thứ nhì Việt Nam nhưng điểm chuẩn nhiều ngành năm nay chỉ 14 điểm/tổ hợp, thí sinh chỉ cần đạt gần 5 điểm/môn thi tốt nghiệp THPT là trúng tuyển. Thực tế này đang đặt ra câu hỏi đâu là giá trị thực của một trường ĐH.

Gần đây báo Tiền Phong nêu thực trạng, có những trường ĐH lọt vào bảng xếp hạng thế giới, đứng thứ nhất, thứ nhì Việt Nam nhưng điểm chuẩn nhiều ngành năm nay chỉ 14 điểm/tổ hợp, thí sinh chỉ cần đạt gần 5 điểm/môn thi tốt nghiệp THPT là trúng tuyển. Thực tế này đang đặt ra câu hỏi đâu là giá trị thực của một trường ĐH.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay cả nước có trên 612 nghìn thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống. Trong số này, chỉ có gần 500 nghìn thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống, đạt 80,8%.

Trường ĐH đang tận tuyển? ảnh 1

Thí sinh tìm hiểu thông tin ngành/trường tại ngày hội tư vấn tuyển sinh 2023. Ảnh: Nghiêm Huê

Nhiều trường ĐH không đủ chỉ tiêu đã thông báo xét tuyển bổ sung với số lượng lên đến hàng chục nghìn. Có thể thấy, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của các trường và số lượng thí sinh đăng kí xét tuyển gần bằng nhau. Do đó, về lí thuyết thí sinh đăng kí xét tuyển nguyện vọng là trúng tuyển ĐH. Từ kết quả thống kê của Bộ GD&ĐT có thể thấy, chưa bao giờ trúng tuyển ĐH lại dễ dàng đến thế.

Luật Giáo dục ĐH năm 2018 cho phép các trường ĐH được tự chủ toàn diện, từ học thuật, tổ chức nhân sự đến tài chính. Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, sau 6 năm được tự chủ, các trường ĐH đã mở mới gần 1.500 ngành/chương trình đào tạo. Trong đó, có trường, trong 3 năm mở 27 ngành.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Trường ĐH Văn Lang hiện có 68 ngành đào tạo. Số liệu tổng hợp từ Đề án tuyển sinh 2023 của Trường ĐH này kể từ khi Luật Giáo dục ĐH 2018 có hiệu lực, hằng năm trường đều mở thêm một số ngành học mới. Đáng chú ý, năm 2020, Trường ĐH Văn Lang mở mới 17 ngành. Từ năm 2020 đến năm 2023, trong vòng 4 năm, tổng số ngành đào tạo được Trường ĐH này mở mới là 36 ngành.

Trong tổng số 68 ngành đào tạo, có 33/68 ngành do cơ quan có thẩm quyền cấp phép, 35/68 ngành do trường tự chủ.

Cũng tại đề án tuyển sinh 2023, Trường Đại học Văn Lang thông báo tuyển sinh tổng chỉ tiêu là 16.440 sinh viên. Trong đó, có 5 ngành có chỉ tiêu từ 1.000 sinh viên: Truyền thông đa phương tiện (1.000 sinh viên), Công nghệ thông tin (1.000 sinh viên), Quản trị kinh doanh (1.300 sinh viên), Quan hệ công chúng (1.400 sinh viên), Marketing (1.700 sinh viên).

Năm 2021, tổng chỉ tiêu dự kiến của trường là 8.665 sinh viên. Như vậy, tổng chỉ tiêu năm nay của Trường ĐH Văn Lang gần gấp đôi so với năm 2021, tăng 89,7%.

“Trường mở ngành không đảm bảo điều kiện sẽ bị xử phạt, dừng đào tạo. Nhưng giải quyết số lượng sinh viên đang theo học của ngành đó như thế nào lại là vấn đề xã hội, không đơn giản chỉ là chuyện mở – đóng ngành, hệ quả rất lớn”, ông Nguyễn Đức Cường nói.

“Mánh” tuyển sinh

Ghi nhận cũng cho thấy, để tuyển sinh đủ chỉ tiêu, “mánh” của một số trường là dồn chỉ tiêu vào ngành hot. Trong Đề án tuyển sinh năm 2023, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thông tin, năm 2022, ngành Quản trị Kinh doanh xét tuyển 475 chỉ tiêu theo phương thức xét học bạ, có 891 thí sinh nhập học, vượt 1,87 lần với điểm chuẩn là 19 điểm/tổ hợp. Nhưng ở phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ có 31 thí sinh nhập học trong khi có 260 chỉ tiêu với điểm chuẩn 26,5 điểm. Đặc biệt năm 2021, có tới 1.242 thí sinh nhập học trong khi chỉ có 250 chỉ tiêu. Tương tự, ngành Công nghệ thông tin năm 2022 có 782 thí sinh nhập học trong khi có 475 chỉ tiêu; năm 2021 con số này là 901 thí sinh nhập học/250 chỉ tiêu. Ngành Y khoa có tới 150 thí sinh nhập học/60 chỉ tiêu bằng phương thức xét kết quả học bạ, nhưng ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT có 90 chỉ tiêu nhưng không có thí sinh nào nhập học.

Bên cạnh những ngành xét tuyển hàng nghìn chỉ tiêu, một số ngành của Trường ĐH Văn Lang có chỉ tiêu ít nhất là Công nghệ điện ảnh, truyền hình với 10 sinh viên. Một số ngành khác có chỉ tiêu 20 – 30 sinh viên/ngành: Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Kỹ thuật nhiệt, Hệ thống thông tin, Công nghệ sinh học, Bảo hộ lao động,…

Ông Nguyễn Đức Cường cho biết năm 2021, Thanh tra Bộ GD&ĐT ban hành 28 quyết định xử phạt hành chính đối với các cơ sở giáo dục ĐH sau khi tiến hành thanh/kiểm tra. Năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, con số xử phạt tăng vọt lên tới 94 quyết định. Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo, duy trì điều kiện đã được mở ngành. Tháng 6 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã thông báo tạm dừng thực hiện quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm đối với một số trường đại học do vi phạm về tuyển sinh, cụ thể là tuyển vượt chỉ tiêu so với quy định.

Tuy nhiên, mở ngành là một chuyện, tên ngành có thể hay nhưng quan trọng là chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và việc bảo đảm được việc làm cho sinh viên sau khi ra trường sẽ thế nào. Bởi có những ngành nghề quá cụ thể, doanh nghiệp cũng chưa cập nhật khiến sinh viên ra trường không có việc làm. Dù quy định hiện hành không ngăn cấm bất cứ cơ sở đại học nào mở ngành học mới nếu đủ tiêu chuẩn. Nhưng việc nhiều trường lâu nay chỉ đào tạo ngành kỹ thuật, công nghệ mà mở thêm mã ngành kinh tế; nhiều trường chuyên đào tạo kinh tế lại lấn sân sang khối ngành y tế khiến không ít người lo lắng.

Việc mở thêm nhiều ngành khiến hệ thống ngành nghề bị trùng lặp. Có nhiều ngành mới mở ra thực chất chỉ là dựa trên những ngành cũ hoặc cùng lĩnh vực nhưng mỗi trường đặt tên một kiểu nhằm thu hút thí sinh.
Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Bình luận (0)