Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục VNEN “vấp” tại các địa phương

Tạp Chí Giáo Dục

Dù được khẳng định là một mô hình giáo dục hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của giáo dục Việt Nam nói riêng và giáo dục thế giới nói chung, nhưng mô hình trường học mới (VNEN) lại đang “vấp” khi triển khai tại các địa phương.

Thậm chí năm học này, nhiều tỉnh như Hà Giang, Hà Tĩnh, Bà Rịa – Vũng Tàu đã quyết định dừng triển khai mô hình VNEN tại địa phương mình.
Mô hình tiên tiến

Dự án mô hình trường học mới triển khai thí điểm tại Việt Nam từ năm học 2012 – 2013, do Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên hiệp quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD, tương đương khoảng 2 tỷ đồng. Mô hình này khởi nguồn từ Colombia những năm 1995 – 2000, để dạy học sinh trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm.
Sau hơn ba năm, cả nước có 54 tỉnh, thành triển khai mô hình này với 2.365 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS tham gia. Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD – ĐT) cho biết, dự án này đã kết thúc ngày 31/5/2016 và ngừng hỗ trợ kinh phí cho các trường để triển khai như thời gian qua.

Học sinh trường Tiểu học Tân Thôn (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đang học nhóm.

Đánh giá chung về hiệu quả của VNEN, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học – Giám đốc Dự án Phạm Ngọc Định cho biết: Trước hết là tạo sự đổi mới về hoạt động dạy và học. Dự án này đã chuyển đổi vai trò của người thầy từ truyền thụ tri thức sang hướng dẫn tổ chức học sinh thực hiện; còn học sinh từ vai trò thụ động, nghe giảng, chép bài và phát biểu ý kiến đã chuyển sang vai trò chủ động, tự hoạt động, tự chiếm lĩnh kiến thức. 
“Mô hình trường học mới cũng đổi mới hình thức tổ chức hoạt động. Cụ thể, học sinh tham gia các hoạt động cá nhân, hoạt động cặp đôi và hoạt động nhóm. Trong đó tần suất hoạt động cá nhân chiếm ưu thế, giúp học sinh tự nghiên cứu, tự khám phá kiến thức, tự chuẩn bị trước khi tham gia những hoạt động khác cùng cả nhóm. Về tổ chức lớp học, mô hình trường học mới đã thay đổi các hoạt động sư phạm của nhà trường theo hướng tự giác, tự quản, dân chủ hóa, hình thành năng lực và phẩm chất cần thiết của người công dân Việt Nam. Mỗi lớp thành lập Hội đồng tự quản và các Ban tự quản, tùy theo nhu cầu của học sinh trong lớp học. Hội đồng tự quản là của học sinh, do học sinh và vì học sinh, hoạt động trên nguyên tắc chủ động tự xây dựng kế hoạch hoạt động học tập, sinh hoạt”, ông Phạm Ngọc Định cho biết thêm. 
Một điểm ưu việt nữa của mô hình trường học mới là việc đánh giá học sinh. Theo đó, việc đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo nguyên tắc vì sự tiến bộ của học sinh, đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh…; đánh giá ngay trong quá trình học tập, đánh giá sự hình thành, phát triển một số năng lực, phẩm chất, phát huy hết nội lực, tiềm năng của từng học sinh; đánh giá toàn diện và thường xuyên. Qua đó, giáo viên biết được học sinh đạt kết quả bằng cách nào, vận dụng kết quả đó ra sao. Từ đó kịp thời tư vấn, hướng dẫn giúp đỡ để học sinh hoàn thành nội dung học tập và có phương pháp học tốt hơn, đạt được chất lượng giáo dục tốt hơn. Bên cạnh đó, giáo viên cũng hướng dẫn để học sinh biết tự rút kinh nghiệm, biết quan sát và học theo cách học của bạn, biết nhận xét, góp ý cho bạn; đồng thời hướng dẫn và khuyến khích cha mẹ tham gia nhận xét, góp ý cho học sinh, từ đó học sinh điều chỉnh cách học. 
Cũng theo ông Phạm Ngọc Định, dự án bắt đầu thực hiện chính thức từ năm học 2012 – 2013, đối tượng hưởng thụ chỉ có 1.447 trường tiểu học. Đến năm học 2015 – 2016 ngoài 1.447 trường của dự án, đã có thêm 2.365 trường tiểu học của 54 tỉnh tự nguyện tham gia áp dụng mô hình, mà không cần tiền tài trợ của dự án.
Phát sinh nhiều bất cập
Khi còn trong dự án, việc triển khai của các trường khá hào hứng và đánh giá cũng khá khả quan. Tuy nhiên, khi dự án kết thúc và ngừng cấp kinh phí cho địa phương, thì ngay lập tức một số địa phương xin dừng triển khai vì cho rằng… bất cập. 
Văn bản số 2081/UBND – VX của UBND tỉnh Hà Giang về việc tổ chức giảng dạy, học tập năm học 2016 – 2017 nêu rõ: Hà Giang dừng việc sử dụng sách giáo khoa chương trình thử nghiệm và dừng việc thực hiện mô hình trường học mới trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh từ năm học 2016 – 2017 để trở lại phương pháp học truyền thống. Tuy nhiên, văn bản vẫn nhấn mạnh, các trường có thể xem xét vận dụng linh hoạt, sáng tạo những ưu điểm của mô hình VNEN để tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá học sinh như cuối buổi học hoặc ngày học, tuần học của học sinh trong từng lớp học… và việc đổi mới công tác quản lý nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Tại văn bản này cũng nêu rõ, không phủ nhận những thành quả mà VNEN mang lại; tuy nhiên mô hình lại bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập trong công tác tuyên truyền, quản lý, dạy và học của đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu. Vì thế giáo viên khó tổ chức hết các hoạt động trong giờ dạy, hay sĩ số lớp học đông cũng là một trong những khó khăn cho giáo viên… 
Hà Tĩnh cũng là địa phương thông báo dừng triển khai đại trà mô hình trường học mới VNEN trên địa bàn. Chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh trong năm học này là chỉ tiếp tục triển khai ở những lớp, những trường đã thực hiện mô hình thí điểm trong năm học 2015 – 2016, khi nhân rộng lại cần đánh giá đầy đủ từ mô hình thí điểm và có kế hoạch, lộ trình cụ thể. Lãnh đạo Sở GD – ĐT Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân của việc dừng là công tác tuyên truyền làm chưa được đến nơi đến chốn, nên giáo viên khi triển khai gặp khó khăn, những người yếu năng lực khó thích nghi thì sẽ phản ứng. Do đó tỉnh phải tạm dừng để làm cho chặt chẽ. 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT Hà Tĩnh cho biết: Việc dừng cũng có một phần nguyên nhân là nguồn kinh phí hỗ trợ của đề án kết thúc, nhưng không phải là chính yếu. Mỗi lớp học của VNEN không thể ước chừng kinh phí bao nhiêu cho máy móc, vì mức kinh phí áp dụng cho mỗi lớp, mỗi cấp học linh hoạt; nhưng không phải là quá sức với trường. Vấn đề lại nằm ở đội ngũ giáo viên; bởi trước một phương pháp mới, việc nhận thức của quản lý, giáo viên đôi khi còn chưa đúng, đủ. 
Thậm chí, có một bộ phận sợ sự đổi mới, ngại khó, ngại khổ; do đó phản ứng lại với phương pháp này. Hiện tại, theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì Sở dừng việc nhân rộng mô hình này trong năm học 2016 – 2017. Tuy nhiên, tới đây, Sở sẽ thành lập Hội đồng rà soát và đánh giá lại mô hình này trên những nơi đã triển khai; từ đó, rút ra những mặt được, chưa được và rút kinh nghiệm để báo cáo vào tháng 5/2017. Trên cơ sở kết quả rà soát này, sẽ xem xét có thể vẫn áp dụng mô hình trường học mới, tuy nhiên, có thể sẽ chỉ áp dụng phần nào, chứ không “rập khuôn” lại nguyên cả mô hình trường học mới đã triển khai thời gian qua.
“Như trong đánh giá của Bộ trưởng Bộ GD – ĐT về mô hình này cũng khẳng định là không bỏ; mà nên rà soát để mỗi địa phương có cách làm phù hợp, linh hoạt cho từng đối tượng học trò, trên cơ sở đáp ứng được yêu cầu đổi mới”, ông Nguyễn Xuân Trường nhấn mạnh.
Trong trả lời báo chí gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định VNEN là mô hình tốt; nhưng khi áp dụng vào từng nơi phải phù hợp. Một số địa phương có ý bỏ VNEN; nhưng quan điểm của Bộ là sẽ tiếp tục thực hiện VNEN, tuy nhiên không áp đặt; các địa phương có thể áp dụng một phần. “Bất kỳ mô hình mới nào cũng phải có sự chuẩn bị về tư tưởng, tâm thế, cơ sở vật chất, chuyên môn, nghiệp vụ. Cái mới nào cũng phải có lộ trình, cứ làm tốt sẽ có người theo”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Từ thực tế trên có thể thấy, việc dừng VNEN trước hết là vì kết thúc dự án và sau nữa, do việc thực hiện VNEN ở nhiều địa phương còn chưa uyển chuyển. Vì vậy, việc đánh giá đây là mô hình không phù hợp, không nên triển khai là điều phiến diện. Cần nhìn rõ những mặt được của mô hình để phát huy và hạn chế những mặt chưa phù hợp. Cách làm mà Bộ GD&ĐT đưa ra là một phương pháp đúng: Để địa phương chủ động áp dụng một cách linh hoạt. Vấn đề đặt ra chỉ là: Liệu với những cái “ngại khó”, “ngại đổi mới” như một vị giám đốc sở đã nêu ra ở trên, trong khi bản thân mô hình này cũng không phải là một yêu cầu bắt buộc; thì liệu các địa phương, các trường có chịu “dấn thân” để mà đổi mới?

Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GD – ĐT:

Đến năm học này, tỉnh Hà Giang không dừng toàn bộ VNEN, mà áp dụng các yếu tố tốt của mô hình; còn lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh không đồng ý nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh. Cá nhân tôi cũng không đồng tình với việc triển khai đại trà ngay phương pháp này, không thể nóng vội được, phải có lộ trình và để mọi người thấy cái lợi cho học sinh thì sẽ tự nguyện tham gia. Ngoài một số địa phương trên, thì các tỉnh khác vẫn triển khai VNEN ổn định trong năm học này. Như Bộ trưởng đã trả lời, nếu bỏ VNEN là cực đoan. Bộ trưởng sẽ có hướng chỉ đạo về việc triển khai VNEN trong thời gian tới. 

TS Vũ Thu Hương, Khoa giáo dục Tiểu học, Bộ GD – ĐT: 

VNEN là một mô hình thay đổi phương pháp và hình thức dạy học. Có rất nhiều lý do cho việc một số địa phương chấm dứt thực hiện mô hình này. Mỗi một mô hình chỉ phù hợp với một số trường học có những điều kiện tương thích. Việc áp dụng đại trà một mô hình cho tất cả các trường trên cả nước là điều không hợp lý. Các trường có những điều kiện trái ngược hoặc khác biệt với mô hình này chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. 

VNEN là một mô hình được thực hiện ở nước ngoài. Khi về Việt Nam, việc triển khai VNEN sẽ có nhiều điều không phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của đất nước. Vì thế thực hiện mô hình này là khó khăn chồng khó khăn. Để thực hiện mô hình này, các giáo viên cần phải được tập huấn kỹ càng. Phụ huynh cần phải được tư vấn và hướng dẫn thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của mình. Những chi tiết không phù hợp đối với từng trường cần được điều chỉnh linh hoạt nhằm giảm sự khác biệt giúp cho việc thực hiện mô hình dễ dàng và thành công hơn.

Lê Vân/ Tin tức

Bình luận (0)