Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xây hồ chỉ thị sinh học để nuôi cá tại Formosa: Làm sao để không bị “qua mặt”?

Tạp Chí Giáo Dục

''Ở đây con người là chủ yếu nhất, cách quản lý của chúng ta đang vô cùng kém, nên ngoài việc đảm bảo công nghệ sản xuất thì cần có công nghệ kiểm soát.''

Đề phòng qua mặt

Sáng 8/9, trong buổi vào làm việc kiểm tra công tác khắc phục sự cố, hoàn thiện công nghệ môi trường tại công ty Formosa Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, đã chỉ đạo công ty Formosa phải thiết kế xây dựng hồ chỉ thị sinh học nuôi cá cạnh khu xử lý nước thải. Nước thải sau khi xử lý, nuôi cá sống khỏe mới được phép thải ra môi trường.

Xay ho chi thi sinh hoc de nuoi ca tai Formosa: Lam sao de khong bi
Hệ thống xử lý nước thải tại Formosa

Cùng bàn luận về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tác An – Nguyên Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang phân tích: "Trong phát triển quan trọng nhất là vấn đề biện pháp, các nước khác cũng phát triển, nhưng họ không có sự cố vì họ quản lý rất khoa học, đúng kỹ thuật, đúng quy trình.

Bộ trưởng đi thị sát đề ra chỉ đạo, yêu cầu như vậy tôi thấy rất tốt, cần đặt ra một chỉ tiêu trong bể sinh học, cá phải sống được, đó là chỉ tiêu dễ thấy nhất, cần phải làm.

Nhưng công nghệ sản xuất kém là hệ thống, do đó, ta phải kiểm soát từ khâu nguyên vật liệu đi vào, cụ thể là hóa chất, trong suốt quá trình sản xuất, chứ không kiểm soát từng mục được.

Vấn đề là phải có một cách quản trị kiểm soát bài bản, khoa học, toàn bộ cả hệ thống, còn nếu chỉ chú trọng 1 đoạn thì không giải quyết vấn đề. Đặc biệt, có thể mời các chuyên gia sắt thép vào tư vấn.

Đó là việc khó, còn việc để cả có thể sống trong bể sinh học đơn giản và dễ làm nhất, trước đây, tôi đã đề xuất việc làm này từ tháng 6. Đây là cách để kiểm soát bùn thải đơn giản nhất, cho chảy ra hồ, thả cá vào xem có sống hay không.

Nhưng để làm được hay không, nói chung còn là trách nhiệm, là lòng tự trọng của con người, có kiểm soát ô nhiễm vì mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo môi trường hay không?".

Đáng chú ý, TS. An cho rằng, việc đầu tư công nghệ xử lý này rất đắt. Vì vậy, nên tính toán tới trường hợp chủ đầu tư qua mặt. Có thể, nước trong bể sinh học đó, không phải là nước thải ra biển.

Trường hợp này hoàn toàn có thể xảy ra nếu như việc giám sát không được sát sao, không có trình độ kỹ thuật, không có tâm. Do đó, bên cạnh việc kiểm soát hệ thống thì phải kiểm soát con người bằng trình độ năng lực.

''Ở đây con người là chủ yếu nhất, cách quản lý của chúng ta đang vô cùng kém, nên ngoài việc đảm bảo công nghệ sản xuất thì cần có công nghệ kiểm soát, công nghệ kiểm tra, làm sao những con người thực hiện tốt hơn công nghệ.'' PGS.TS Nguyễn Tác An lưu ý.

Kiểm soát chặt chẽ

Nói về yêu cầu của Bộ trưởng Trần Hồng Hà đối với Formosa, GS.TSKH Dương Đức Tiến (nguyên giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH quốc gia Hà Nội), cho rằng: "Đây là chỉ đạo rất đúng và có tính thực tế của Bộ trưởng, bởi vì, khi nguồn nước không có chất gây ô nhiễm, trong thí nghiệm dùng nuôi thủy sản, cá sẽ nguyên thể không chết.

Nghĩa là trong điều kiện sinh vật sống được thì phải có hàm lượng ô xy thích hợp để phát triển, không có độc tố ảnh hưởng đến sự sống.

Quy trình cụ thể, nước sau khi đã qua các công đoạn xử lý bằng biện pháp khác nhau, sẽ cho vào bể sinh học, ở đó không chỉ cá mà các sinh vật khác như động vật nhiễm thể, các loại tảo, vẫn phát triển bình thường, thì nước đảm bảo chỉ số an toàn".

Tuy nhiên, theo TS. Tiến, với số lượng chất thải hàng ngày rất lớn, lên tới 1,5 triệu tấn như tại Formosa thì việc xử lý không hề đơn giản, sẽ mất nhiều công sức. Ông cũng tỏ ra vô cùng lo ngại về việc này.

Vì vậy, việc Bộ TN&MT đưa ra yêu cầu và phía Formosa thực hiện được theo chỉ đạo hay không là hai chuyện khác nhau. Việt Nam cần phải nghiêm khắc đòi hỏi, không nên quá chú trọng đến chuyện xử lý yêu cầu của Formosa, vì đó là nhiệm vụ tất yếu của họ.

Để có thể thực hiện yêu cầu trên của Bộ TN&MT, việc đầu tiên Formosa cần phải làm đó là xây một bể xử lý rất lớn, có camera theo dõi. Đây là cách để có thể chắc chắn rằng nước thải ra môi trường có phải là từ bể sinh học hay không, nếu không làm được điều này thì mọi việc chỉ là nói dối.

TS. Tiến nhấn mạnh: "Một là, yêu cầu đối với Formosa phải hết sức khe khắt, không được làm theo các yêu cầu trong đánh giá tác động môi trường, vì ở đó chỉ là một số chuẩn mực hóa chất, bây giờ cần thêm chuẩn mực sinh học, làm lại ĐTM là chuẩn xác.

Hai là, Việt Nam cần kiểm tra chặt chẽ tất cả lượng nước thải trước khi ra ngoài, nó liên quan chặt chẽ đến chính quyền địa phương".

 

Thiên Bình/ PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)