Y tế - Văn hóaThư giãn

“Kho vàng mười” văn học Nga – Xô Viết trở lại

Tạp Chí Giáo Dục

Những Dagestan của tôi, Cánh buồm đỏ thắm, Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn… nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ nay trở lại với diện mạo mới, chứng tỏ sức sống của nền văn học thiếu nhi Nga.

"Kho vàng mười” văn học Nga - Xô Viết trở lại
Một số cuốn trong bộ sách “Văn học Nga – Tác phẩm chọn lọc” mới được phát hành – Ảnh: P. HÀ

Sáng 23-9 tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga (Hà Nội), những mái đầu bạc cạnh những mái tóc xanh có chung niềm xúc động khi tham dự buổi hội thảo về văn học thiếu nhi Nga với tên “Còn mãi những cánh buồm đỏ thắm”.

Dịch giả Thụy Anh, khi cất lời mở đầu cho hội thảo không giấu nổi cảm xúc: “Tôi lâng lâng, như đang từ cuộc sống thực bước vào một thế giới khác vậy”.

Không xúc động sao được khi nhắc tới cụm từ “văn học Nga” (theo cách gọi trước đây là văn học Nga – Xô Viết), là bao ký ức của các thế hệ độc giả dội về. Những Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn, Bác sĩ Aibôlít, Cánh buồm đỏ thắm, Timua và đồng đội… trở nên quen thuộc với nhiều thiếu nhi Việt Nam.

"Biết bao nhiêu cậu bé, cô bé ở nước ta đã lớn lên thành người với những cuốn sách gối đầu giường dạy cho họ biết sống thẳng ngay, biết đường thương yêu, biết đường căm ghét, biết vươn tới những lý tưởng nhân văn cao cả" – Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi

Nói về giá trị của những tác phẩm văn học thiếu nhi Nga, Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi – Nguyên Trưởng khoa Tiếng Nga Đại học Hà Nội – cho rằng đó là một kho vàng mười.

Theo ông, nước Nga thời Xô Viết có nhiều tác phẩm liệt vào danh sách “Kho vàng” dành cho thiếu nhi của văn học thế giới. 

Nhà giáo Vũ Thế Khôi kể lại thời trẻ, thế hệ ông thiếu thốn sách vở để đọc, nên ông cùng bạn bè đều háo hức mong chờ tới những đêm bên đống lửa, được nghe thầy giáo kể cho nghe từng phần của Thép đã tôi thế đấy.

Không riêng gì nhà giáo Vũ Thế Khôi, nhiều người chung nhân định văn học thiếu nhi Nga giàu chất thơ, thấm đẫm tinh thần nhân văn, là những cuốn sách hợp với muôn đời, được yêu thích ở mọi thế hệ.

Chính vì những giá trị vượt thời gian ấy, mới đây văn học thiếu nhi Nga được Nhà xuất bản Kim Đồng in lại. Kim Đồng vốn có truyền thống xuất bản văn học thiếu nhi Nga từ những năm 1960, rồi tới những năm 1980, họ hợp tác với Nhà xuất bản Cầu Vồng (Nga) cho ra đời nhiều tác phẩm ý nghĩa. Năm 2004, một lần nữa, Kim Đồng hợp tác cùng Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản 50 tác phẩm văn học Nga chọn lọc.

Trước nhu cầu của thế hệ độc giả mới, từ năm 2005, đơn vị làm sách thiếu nhi đã bắt tay thực hiện bộ sách “Văn học Nga – Tác phẩm chọn lọc”.

"Kho vàng mười” văn học Nga - Xô Viết trở lại
Tác phẩm Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn của NXB Kim Đồng

Để làm bộ sách này, đội ngũ thực hiện đã liên hệ bản quyền, chọn những bản dịch tốt trước đây, tổ chức dịch các tác phẩm mới, trình bày đẹp mắt. Tới nay, bộ sách chọn in 16 tác phẩm thuộc dạng kinh điển của văn học thiếu nhi Nga, cùng với sáu tác phẩm văn chương đương đại từ xứ sở Bạch Dương.

Đánh giá về sự trở lại của những tác phẩm này, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (người dịch tiếng Nga với bút danh Ngân Xuyên) cho rằng cần phải cảm ơn đơn vị xuất bản, bởi đã chọn những bản dịch tốt, trình bày đẹp đưa tới độc giả hôm nay.

Theo Phạm Xuân Nguyên, tới nay, Liên Xô không còn nhưng những tác phẩm văn học vốn là những giá trị nhân bản của con người thì vẫn luôn tồn tại.

Trong khi một số người cho rằng tại Việt Nam hiện nay, văn học thiếu nhi Nga có phần lép vế so với các tác phẩm Anh, Mỹ, thì đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng có ý kiến khác.

Trả lời Tuổi Trẻ sáng 23-9, bà Vũ Quỳnh Liên – Phó Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng – cho rằng Văn học thiếu nhi Nga vẫn được đón nhận như một dòng chảy bền bỉ.

Bản thân bộ sách “Văn học Nga – Tác phẩm chọn lọc” tuy mới ra mắt vào tháng 6, nhưng tới nay chuẩn bị tái bản. Còn những tác phẩm thuộc dạng kinh điển như Bác sĩ Aibôlít, Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện ly kì của Buratino, Vichia Maleev Ở nhà và ở trường, Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn… trở thành sách tái bản hàng năm.

 

HIỀN ĐỖ/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)