Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, trước tháng 3-2020, các địa phương trên cả nước phải hoàn thành việc lựa chọn và công bố danh mục sách giáo khoa (SGK) chương trình giáo dục phổ thông mới sử dụng trong các trường của tỉnh.
Phụ huynh chọn mua sách cho con
Từ tháng 3 đến tháng 5-2020, sở GD-ĐT địa phương cùng các nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1. Trước đó (ngày 21-11), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký quyết định phê duyệt danh mục 32 SGK của 8 môn học và hoạt động giáo dục của lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Về 6 bản mẫu SGK được Hội đồng thẩm định đánh giá “đạt” nhưng chưa được phê duyệt lần này, ông Thái Văn Tài (Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT) cho biết tất cả đều thuộc môn tiếng Anh. Đây là môn học tự chọn ở lớp 1, giống như môn tiếng dân tộc thiểu số. Bộ GD-ĐT sẽ công bố danh mục SGK được phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông vào lần sau. Lần này chỉ gồm sách của các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Các nhà xuất bản sẽ tổng hợp số lượng SGK theo đăng ký của địa phương và có kế hoạch tổ chức in ấn, xuất bản, phát hành. Trong tháng 5, 6, 7, sách sẽ về đến tay phụ huynh, nhà trường. Sau khi có SGK, các nhà xuất bản sẽ tổ chức tập huấn giới thiệu sử dụng và phương pháp dạy học theo sách được địa phương lựa chọn để giáo viên có thể thực hiện tốt.
Theo Bộ GD-ĐT, việc tổ chức lựa chọn SGK phải đảm bảo các nguyên tắc: Sách thuộc danh mục được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng; công khai, minh bạch, đúng pháp luật; sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông. SGK được lựa chọn phải đảm bảo các yêu cầu: Phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học; chọn đủ sách cho các môn học, hoạt động giáo dục ở các khối lớp. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục chọn ít nhất 1 cuốn SGK. UBND tỉnh/thành quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn SGK, và quan trọng là địa phương phải xây dựng tiêu chí công khai, minh bạch, tất cả vì người học.
Trước những lo ngại tiêu cực có thể xảy ra khi địa phương lựa chọn SGK, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, trong hướng dẫn để các địa phương lựa chọn sách, bộ đã tính đến việc này. Cụ thể, Bộ GD-ĐT giao cho các thành viên hội đồng xây dựng tiêu chí; ở cấp trường phải tham khảo ý kiến của giáo viên trong trường, phụ huynh để khi lựa chọn có sự đồng ý đạt đến mức nhất định thì mới công bố SGK được dùng; sau đó mới công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về việc đăng tải công khai chế bản điện tử của SGK để mọi người dân sớm được tiếp cận, ông Thái Văn Tài cho biết, SGK liên quan đến các luật Xuất bản, Luật Sở hữu Trí tuệ… trong đó có quyền của tác giả, nhà xuất bản… Đến nay, Bộ GD-ĐT công bố những SGK được quy định đúng thẩm quyền. Còn quy định công bố đối với bản sách điện tử, bản PDF sẽ được quy định trong thời gian tới. |
Tại ngày hội “Toán học mở 2019” tổ chức ở TP.HCM ngày 24-11 vừa qua, GS. Đỗ Đức Thái (Chủ biên chương trình Toán, Trưởng khoa Toán – Tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho hay, sau khi công bố chương trình mới, nhóm biên soạn nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng chương trình đã giảm nhẹ năng lực toán học của học sinh, có nguy cơ làm mất ưu thế của Việt Nam trong các kỳ thi học sinh giỏi. Một số khác lại đánh giá chương trình không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu thi cử hiện hành. Phủ nhận việc chương trình mới “không tạo điều kiện cho học sinh giỏi phát triển”, ông Thái nhận định: Khi biên soạn chương trình chung cho cả nước, không thể lấy những học sinh giỏi cá biệt làm kim-chỉ-nam để hướng cả chương trình đi theo. Chúng ta có một triệu học sinh thì chỉ có một phần nhỏ yêu cầu một chương trình đặc biệt cho học sinh xuất sắc.
Mê Tâm
Bình luận (0)