Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Không có sách giáo khoa tối ưu

Tạp Chí Giáo Dục

Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) đến nay đã đến giai đoạn lựa chọn SGK giảng dạy trong các trường phổ thông. Với chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK như hiện nay nhưng lại có ý kiến cho rằng mỗi tỉnh/thành chọn lựa một bộ SGK để giảng dạy ở tỉnh/thành của mình nhằm có sự thống nhất. Theo tôi, đó là một sự bất hợp lý. Việc thống nhất mỗi tỉnh/thành chỉ chọn một bộ SGK chỉ mang tính chất quản lý. Về mặt lý thuyết, việc thống nhất một bộ sách sẽ được cho là đã được chọn lựa kỹ càng, phù hợp với địa phương… Thế nhưng, việc tỉnh/thành này chọn dạy một bộ sách này, tỉnh/thành khác chỉ dạy một bộ sách khác sẽ dẫn đến tâm lý “bộ sách của tỉnh/thành tôi chọn dạy là hay nhất, tốt nhất”. Một học sinh chuyển từ tỉnh này đến tỉnh khác học sẽ bị cho rằng vì học bộ sách ở địa phương trước đây chọn nên kiến thức tiếp thu không bằng với học sinh học bộ sách khác của tỉnh chuyển đến học. Phụ huynh, học sinh lại lo lắng, hoang mang. Giáo viên ở tỉnh/thành này sẽ cho rằng SGK địa phương mình chọn khó dạy hơn SGK của tỉnh/thành lân cận chọn…

Theo ý kiến của tôi, không có bộ SGK nào là tối ưu. Chính vì thế, việc chọn lựa SGK nên để giáo viên của các tổ chuyên môn từng trường nghiên cứu, chọn lựa cho phù hợp với học sinh của trường mình. Chương trình giáo dục phổ thông được thống nhất, nội dung, yêu cầu cần đạt ở mỗi môn học, mỗi chủ đề học đều rõ ràng. SGK chỉ là tài liệu hỗ trợ giảng dạy. Vì vậy, giáo viên của các tổ chuyên môn của trường nên chọn SGK với yêu cầu hoạt động nhẹ nhàng, dễ hiểu đối với học sinh trường mình. Ngoài SGK chọn lựa để dạy cho học sinh, giáo viên cũng cần tham khảo các SGK khác để có thể hỗ trợ thêm cho bài dạy của mình và mở rộng, nâng cao kiến thức cho học sinh trong việc dạy cá thể hóa.

Trong hội thảo “Thiết kế và xây dựng SGK theo định hướng và phát triển năng lực kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức”, bà Anita Roesch (giảng viên ĐH Tổng hợp Giesen, Đức) cho rằng SGK không thể cập nhật các kiến thức khoa học, đời sống nhanh chóng được, vì thế nhiệm vụ của giáo viên là phải luôn nghiên cứu, tìm hiểu để cập nhật các kiến thức mới nhất trong bài giảng của mình cho học sinh, không thể dựa hoàn toàn vào SGK. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của bà Anita Roesch.

Vì vậy, tôi mong rằng mỗi trường được quyền chọn lựa SGK cho học sinh của mình, không bị buộc phải “đồng phục” SGK theo tỉnh/thành. Giáo viên cần phải luôn có ý thức tự học, năng động, sáng tạo trong quá trình giảng dạy để có thể cập nhật kiến thức và chuyển tải đến học sinh những kiến thức mới nhất, hay nhất ngoài SGK đang sử dụng. Có như thế, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thật sự là mới và đem lại hiệu quả cao.

Lê Phương Trí

Bình luận (0)