Th.S Trần Đình Lý, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết: Hiện nay, SV học các ngành lâm nghiệp ra trường rất dễ kiếm việc làm, thậm chí một số SV còn nhận được “đơn đặt hàng” từ doanh nghiệp khi còn đang đi học. Lĩnh vực lâm nghiệp có rất nhiều chuyên ngành, điểm chuẩn đầu vào hàng năm không cao, nhiều ngành chỉ bằng điểm sàn.
Chuyên ngành chế biến lâm sản: Kỹ sư ngành này có thể làm việc trong các lĩnh vực sử dụng, bảo quản, chế biến các mặt hàng lâm sản tại xí nghiệp, công ty chế biến gỗ, xí nghiệp gỗ mỹ nghệ, công ty keo dán gỗ, công ty sấy gỗ, công ty trang trí nội thất…
SV được trang bị kiến thức cơ sở về họa hình, vẽ kỹ thuật, điện – điện tử, cơ học, nguyên lý máy, chi tiết máy, sức bền vật liệu; có kiến thức chuyên ngành về vật liệu gỗ, sản phẩm gỗ, công nghệ xử lý, chế biến các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ…
Th.S Lý cho biết, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư chế biến lâm sản hiện rất lớn, nhiều công ty sẵn sàng trả lương khởi điểm từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng vẫn tuyển không đủ nhân lực.
Kỹ sư chuyên ngành Công nghệ sản xuất giấy và bột giấy (hiện chỉ được đào tạo tại ĐH Nông Lâm TPHCM) được cung cấp kiến thức và kỹ năng về nguyên liệu sản xuất giấy và bột giấy, các quá trình sản xuất giấy, công nghệ sản xuất giấy các loại, các thiết bị và an toàn thiết bị, vệ sinh môi trường trong sản xuất giấy, quản lý và điều hành quá trình sản xuất giấy và bột giấy, quản lý dây chuyền sản xuất giấy và bột giấy, nguyên tắc thao tác và vận hành thiết bị sản xuất giấy, công nghệ xử lý nước thải từ các nhà máy giấy.
Chuyên ngành Lâm nghiệp: Kỹ sư ngành này được đào tạo toàn diện về mọi lĩnh vực hoạt động của ngành với kiến thức sinh thái học, lâm sinh, trồng rừng, điều tra, điều chế, bảo vệ, quản lý nguồn tài nguyên rừng.
Kỹ sư ngành lâm nghiệp có thể đảm trách công việc về lâm sinh tại các công ty, doanh nghiệp lâm nghiệp; tại các trường, phòng Khoa học & Công nghệ, các sở, phòng ban ở các tỉnh, huyện trong cả nước về lĩnh vực lâm nghiệp; làm việc tại các viện điều tra quy hoạch, trung tâm ứng dụng và triển khai lâm nghiệp, trung tâm khuyến nông, khuyến lâm …
Chuyên ngành Quản lý tài nguyên rừng: Đào tạo kỹ sư lâm nghiệp chuyên sâu về quản lý tài nguyên rừng, có khả năng quản lý, tổ chức phát triển bền vững tài nguyên môi trường và chức năng nghiệp vụ khác của rừng.
Nơi làm việc khá rộng: Đảm trách việc quản lý tài nguyên rừng tại: các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến tài nguyên rừng và môi trường, doanh nghiệp, viện và trung tâm nghiên cứu tài nguyên rừng và môi trường bền vững, cơ sở đào tạo, cơ quan điều tra, quy hoạch rừng, khu du lịch sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên, các vườn quốc gia, các cơ quan quản lý nhà nước về nông lâm nghiệp …
Theo thống kê trong vòng 3 năm trở lại đây, điểm chuẩn vào các chuyên ngành lâm nghiệp trên thường chỉ ở mức điểm sàn hoặc cao hơn từ 1 đến 1,5 điểm. Điểm chuẩn năm như sau: ĐH Nông Lâm TPHCM điểm chuẩn vào các ngành lĩnh vực lâm nghiệp: khối A: 13 điểm, khối B: 14 điểm.
Trường ĐH Tây Nguyên: Lâm sinh: 14 điểm, Quản lý tài nguyên rừng – môi trường: 14,5 điểm. ĐH Nông Lâm (ĐH Huế): Chế biến lâm sản: 13 điểm, Quản lý tài nguyên rừng – môi trường: khối A: 13 điểm, khối B: 14 điểm.
ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên): khối A: 13 điểm, khối B: 14 điểm. ĐH Lâm nghiệp: khối A: 13 điểm, khối B: 14 điểm, riêng ngành: Lâm nghiệp đô thị: 18 điểm, ĐH Tây Bắc: khối A: 13 điểm, khối B: 14 điểm…
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)