Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Chọn trường, chọn nghề: “Sai một li, đi một dặm”

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ tiêu đào tạo ĐH năm 2009 tăng 4,5%, đào tạo CĐ tăng 13,5%, đào tạo CĐ vừa làm vừa học tăng 23% so với năm 2008, mở ra cơ hội lớn cho thí sinh (TS) trong việc chọn trường, chọn nghề. Lựa chọn ngành nghề là bước ngặt lớn trong cuộc đời, là việc không dễ, cần sự quan tâm, hiểu biết của mỗi
người, nhất là đối với HS đang chuẩn bị tốt nghiệp.
Đánh giá đúng năng lực: yếu tố quyết định
Ai cũng muốn có một nghề, một việc làm để vừa mưu sinh vừa góp phần xây dựng đất nước. Song không ít người có nghề mà vẫn lận đận không tìm được việc làm. Ngược lại có người thời gian học tập trung tuy ngắn nhưng lại chọn được việc làm ổn định, có cơ hội học tiếp lên cao. Vấn đề đặt ra là phải chọn trường, chọn nghề sao cho phù hợp với sở thích, khả năng và đáp ứng với yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực.
Phải khẳng định một điều, nếu bạn giỏi thực sự thì bạn học trường nào, ngành gì cũng sẽ được trọng dụng. Nhưng thực tế, không có ai giỏi tất cả các lĩnh vực, hơn nữa sự tự đánh giá về năng lực học tập của bản thân HS hiện nay thường chưa đầy đủ, thiếu chính xác. Nhiều phụ huynh HS còn ngộ nhận khả năng của con em mình. Đây chính là yếu tố có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn ngành nghề của HS.
Băn khoăn, trăn trở của những người trong ngành GD-ĐT nhiều năm nay vẫn là làm thế nào để trả lời được câu hỏi: HS đã chọn đúng trường, ngành nghề vừa với sức học, hoàn cảnh của mình chưa? Bởi việc chọn trường, chọn nghề chưa thận trọng không những làm thui chột hoài bão của HS, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của trường và của cả ngành.
Cùng với sự tự đánh giá năng lực học tập chưa đúng, kết hợp với tâm lý đã tốt nghiệp THPT là phải vào bằng được ĐH tồn tại ở không ít HS và các bậc cha mẹ hiện nay nên nhiều em đã cố sức để dự thi ĐH mặc dù biết là rất gian nan. Điều này không chỉ gây áp lực cho chính HS, tốn kém cho gia đình, xã hội. Thống kê nhiều năm cho thấy, có tới 40% HS chọn nghề theo yêu cầu của bố mẹ, 30% HS quyết định theo bạn bè, 30% HS tự lựa chọn. Nhiều HS do chọn nghề không hợp sở thích, khả năng dẫn đến thiếu hứng thú, sao nhãng trong học tập nên học yếu. Tiền đề cho sự yêu nghề, đam mê, tập trung mọi nỗ lực để đạt kết quả cao chính là chọn đúng được một nghề bạn thích và phù hợp với khả năng.
Nhu cầu xã hội: không thể bỏ qua
Trước mỗi mùa thi, ở hầu hết các địa phương đều diễn ra không ít các buổi tư vấn, diễn đàn về việc chọn trường, chọn ngành, nhưng dường như hiệu quả chưa cao, số lượng HS được tham dự cũng chưa phải là tất cả. Bản thân tên trường, tên ngành chưa nói rõ được thực chất chất lượng đào tạo, vì hiện nay số trường có thương hiệu chưa nhiều. Có khi, nghe thông tin về những ngành nghề rất hấp dẫn nhưng khi đi tìm việc lại có thể gặp "vị đắng". Vì vậy để hiểu đúng chất lượng đào tạo của từng trường, từng ngành, HS cần phải tìm hiểu những thông tin cụ thể về chương trình, chất lượng đào tạo, chính sách học phí, học bổng, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp… Rất mừng là từ năm học 2008-2009, Bộ GD-ĐT quy định các trường phải công khai 3 nội dung quan trọng, đó là công khai chất lượng đào tạo, khi sinh viên tốt nghiệp sẽ làm gì, làm ở đâu; công khai nguồn lực gồm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; công khai về thu chi tài chính.
Nhưng dẫu là chọn ngành gì, bậc học nào cũng phải hết sức lưu ý đến nhu cầu xã hội. Bởi có những nghề mới nghe rất hấp dẫn nhưng tìm việc lại rất khó, chẳng hạn nghề báo, hay nghề luật sư. Nghề tài chính, ngân hàng trong điều kiện hội nhập đang thu hút nguồn nhân lực lớn, nhưng trong ngành này có nhiều việc cần kiến thức chuyên sâu, việc tìm đúng người, đặt đúng chỗ không phải dễ. Nghề sư phạm mầm non dễ tìm việc, nhu cầu lớn, nhưng đây là nghề vất vả, cần phải có tình yêu trẻ và nhiệt huyết thật sự. Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội không chỉ là mục đích của từng trường mà còn rất cần thiết đối với việc chọn nghề của HS.
Cái đích của chọn trường, chọn nghề của đa số HS là tìm được việc làm ổn định và có cơ hội thăng tiến. Nếu HS chọn nghề đúng, phù hợp với nhu cầu xã hội là một thuận lợi lớn trên con đường sự nghiệp. Nếu chọn một nghề mà nhu cầu của xã hội không lớn thì khó tìm việc, có khi lận đận suốt đời. "Sai một li, đi một dặm" là vậy.
Trần Công Huyền (SGGP)

Bình luận (0)