Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Bốn kinh nghiệm chọn ngành

Tạp Chí Giáo Dục

Lựa chọn ngành nghề cho tương lai là vấn đề rất quan trọng đối với học sinh trước mỗi mùa thi.

Tuy nhiên hiện nay, không phải mọi học sinh đều biết cách để lựa chọn đúng ngành nghề để thi. Kinh nghiệm cho thấy bốn yếu tố sau đây sẽ giúp ích cho học sinh rất nhiều trong quá trình lựa chọn ngành nghề:
– Chọn theo sở thích, nguyện vọng: Lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với nguyện vọng và sở thích của mình là yếu tố quan trọng nhất. Bởi vì ngành nghề xã hội là rất phong phú, đa dạng, việc chọn đúng ngành nghề là cơ sở để học sinh có được một công việc tốt, phù hợp để xây dựng cuộc sống của mình trong tương lai. Những ngành nghề mà học sinh yêu thích từ nhỏ, nếu bây giờ vẫn còn yêu thích thì nên tiếp tục theo đuổi vì khả năng phù hợp với bản thân sẽ rất cao.
– Chọn theo năng lực: Hầu hết phụ huynh đều mong muốn cho con mình vào ĐH. Đây là mong muốn chính đáng và hoàn toàn tốt. Tuy nhiên, mỗi học sinh có một khả năng học tập riêng biệt.
Vì thế, nếu học tập ở mức trung bình khá trở xuống thì chỉ nên chọn những ngành nghề ở các trường ĐH với mức trung bình hoặc chọn các trường CĐ và trung cấp, sau đó học liên thông lên ĐH. Không nên chọn ngành nghề theo phong trào, theo bạn bè. Nhiều học sinh thấy bạn mình thi vào trường nào, ngành nào thì bắt chước làm hồ sơ đăng ký theo.
– Chọn theo hoàn cảnh gia đình: Gia đình cũng là một yếu tố quan trọng trong việc định hướng và phát triển sự nghiệp của học sinh. Những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn cần phải cân nhắc trong việc lựa chọn trường thi và ngành học. Chẳng hạn như trường học sẽ xa hay gần, chi phí cao hay thấp… để thuận lợi hơn trong việc đi lại và giảm bớt gánh nặng chi phí cho gia đình.
– Chọn theo nhu cầu xã hội: Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn bởi chúng ta khó dự đoán được 5 năm, 10 năm và lâu hơn nữa, xã hội cần ngành nghề nào. Tuy nhiên, cũng không phải là bó tay vì có nhiều cách để xác định được nhu cầu lao động, ngành nghề của xã hội, như: Xem thông tin trên các trang web tuyển lao động hằng năm, định hướng cơ cấu ngành nghề của địa phương mình, tỉnh bạn, thậm chí cả khu vực.
Việc đổ xô vào những ngành được cho là “nóng” ở thời điểm này nhưng tương lai như thế nào là chưa biết trước sẽ khiến cho một số ngành thừa lao động trong khi ngành khác lại thiếu, hiện tượng “thừa thầy, thiếu thợ” tiếp diễn.
Lựa chọn ngành nghề hợp lý sẽ đáp ứng được nhu cầu lao động của xã hội, giải quyết được nạn thất nghiệp, là cách tốt nhất để một người có thể tiếp tục phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Ngô Mã Thiên (Trường THPT Lê Thành Phương, Phú Yên)
Người Lao Động

 

Bình luận (0)