Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Đầu tư cho giáo dục sẽ tăng trưởng tốt

Tạp Chí Giáo Dục

 Bất chấp những khó khăn đang tồn tại của nền kinh tế, trong năm 2011, giáo dục vẫn là một trong số ít những lĩnh vực có mức tăng trưởng tốt. Các chuyên gia cũng dự báo, sự tăng trưởng này sẽ tiếp tục trong năm 2012.
Chi tiêu cho giáo dục được ưu tiên hàng đầu
Mới đây, Báo cáo Theo dõi kinh tế châu Á (Asia Economic Monitor) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nhận xét, tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tiếp tục ở mức trung bình trong năm 2012. ADB đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới xuống còn 6,3% từ mức 6,5% mà ADB đã dự báo trong tháng 9/2011.
Cuối tháng 11/2011, Công ty Tư vấn Grant Thornton Việt Nam cũng vừa công bố kết quả  khảo sát với người ra quyết định đầu tư hoặc những người có quan tâm lớn tới đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân được thực hiện trong quý IV/2011. Đây là cuộc khảo sát 2 lần trong một năm được thực hiện trong quý II và IV/2011. Theo đó, 51% số người tham gia khảo sát có quan điểm tiêu cực vào kinh tế Việt Nam trong 12 tháng tới.
Nếu trong quý II/2011, 53% người được hỏi còn có quan điểm tích cực, thì trong quý IV, con số này đã  giảm xuống còn 17%.
Tuy vậy, trong lĩnh vực giáo dục, việc đầu tư vẫn không ngừng tăng lên. Lý do này được các chuyên gia nhận định là do sự phát triển của giáo dục hết sức ổn định. Nhu cầu học tập của người dân ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với mức độ đầu tư của họ vào việc học. Việc đầu tư này không bị gián đoạn bởi sự e ngại, lo lắng về kinh phí, mà trái lại, người học còn có thể tiết kiệm nhiều khoản chi tiêu khác để chi tiêu cho việc học của mình hoặc con em mình.
Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, năm 2011, đơn vị này nhận được rất nhiều yêu cầu nâng cấp các trung tâm có yếu tố nước ngoài lên trường nghề chính quy. Điều này xuất phát từ nhu cầu ngày càng lớn của người học, dù mức chi tiêu cho việc “du học tại chỗ” (học tại Việt Nam lấy bằng nước ngoài) không hề thấp. Song vì chưa có nghị định hướng dẫn chính thức, song đơn vị này vẫn đang tìm cách tham mưu cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để đáp ứng nguyện vọng của các cơ sở cũng như của người học.
Trung tâm Anh ngữ chất lượng “lên hương”
Trong lĩnh vực giáo dục, có thể nói trong năm 2011 việc tăng trưởng tốt của các trung tâm Anh ngữ khá rõ ràng. Càng ở thời điểm khó khăn, việc học Anh ngữ càng được hướng tới chất lượng nhiều hơn. Nếu những năm gần đây, các trung tâm Anh ngữ mọc lên “như nấm sau mưa”, thì khi thị trường, kinh tế gặp khó khăn đã có sự thanh lọc nhất định. Kết quả là, có khá nhiều trung tâm Anh ngữ phải đóng cửa. Chỉ có số ít những trung tâm có đầu tư theo chiều sâu và cam kết lâu dài với chất lượng tốt mới có thể trụ lại được.
Ông Khalid Muhmood, Chủ tịch HĐQT Apollo English cho biết: “Trong bối cảnh doanh thu của hầu như tất cả các ngành đều giảm, niềm tin tiêu dùng không mấy khả quan, nhưng giáo dục vẫn tăng trưởng tốt. Riêng tại Apollo, nhờ quan tâm đến chất lượng đào tạo và mang thêm những giá trị mới cho học viên, nên tỷ lệ học viên trung thành của Apollo rất cao. Chính vì vậy, kết quả kinh doanh của Apollo tại Việt Nam những năm qua rất tốt, doanh thu hàng năm đều tăng. Chúng tôi xác định, để có thể tồn tại và phát triển cần có sự kiên nhẫn và những cam kết dài hạn”.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, nhận định trên là có cơ sở và xu hướng phát triển của các trung tâm Anh ngữ có uy tín sẽ tiếp tục tăng trong năm 2012. Nguyên nhân chính là càng ngày ngoại ngữ càng trở thành yêu cầu, đòi hỏi quan trọng trong việc tuyển dụng nhân sự của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Nhân sự Apollo English cho biết, theo khảo sát, việc sử dụng thành thạo tiếng Anh cho phép sinh viên mới tốt nghiệp nhanh chóng có việc làm và nhận mức lương cao gần gấp đôi so với người không biết tiếng Anh. “Vì vậy, phụ huynh sẽ không ngần ngại đầu tư cho con học tiếng Anh tại các trung tâm uy tín ngay từ khi còn nhỏ. Số lượng người đi làm đăng ký học cũng sẽ không ngừng tăng lên với mục đích tăng thêm thu nhập”, ông Tiến nói.
Khảo sát về hiện trạng việc làm của lao động trẻ do Báo Người lao động thực hiện gần đây cho thấy, trong tổng số 1.017 ứng viên được khảo sát, có 92,22% có bằng cấp chuyên môn từ trung cấp trở lên; trong đó có 57,12% có bằng cấp cao đẳng – đại học. Tuy nhiên, chỉ có 8,77% ứng viên cho biết là giao tiếp và sử dụng được ngoại ngữ cho công việc. Trong khi đó, có đến 43,27% ứng viên chỉ dừng lại ở chứng chỉ B ngoại ngữ hoặc tương đương trình độ B (xếp theo thời lượng học ngoại ngữ trong quá trình học chuyên môn); thậm chí chỉ ghi chung chung: Anh văn giao tiếp. 47,95% còn lại chỉ mới học qua sơ cấp, không thể giao tiếp được bằng tiếng Anh. Đây sẽ là những học viên tiềm năng đến với các trung tâm Anh ngữ với nhu cầu học tập để tồn tại và phát triển trong thị trường việc làm khó khăn và đòi hỏi cao như hiện nay.

Theo Văn Khoa
(baodautu)

Bình luận (0)