Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Để học mà không quên

Tạp Chí Giáo Dục

Trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, có một thực trạng thường thấy là hiện tượng nhiều thí sinh (TS) khi vào phòng thi "bỗng dưng" quên hết kiến thức. Không ít TS do không làm được bài đã có những biểu hiện tiêu cực trong phòng thi và ngay trên chính bài thi của mình.
Giải thích hiện tượng này, bác sĩ Trương Trọng Hoàng, Phó chủ nhiệm bộ môn khoa học hành vi và giáo dục sức khỏe Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch cho rằng, đó là kết quả của việc não bộ bị mệt mỏi, quá tải sau một thời gian miệt mài ôn thi căng thẳng. Nguyên nhân chính dẫn tới vấn đề trên là do ảnh hưởng của cách học bài chưa khoa học.
Nhiều TS học ngày học đêm nhưng không có quá trình xâu chuỗi các nội dung thông tin dẫn đến sự lộn xộn, quá tải về lượng kiến thức dung nạp. Một số khác là do quá căng thẳng, lo sợ khi bước vào phòng thi dẫn đến tình trạng quên kiến thức, đầu óc trở nên trống rỗng. Khi rơi vào tình huống như vậy, nhiều TS trở nên hoang mang, bắt đầu tập trung cao độ để nhớ lại kiến thức đã mất. Điều này càng khiến cho tình trạng trở nên nặng nề hơn.
Để tránh được tình trạng trên, bác sĩ Trương Trọng Hoàng khuyên các TS cần có chế độ học và nghỉ ngơi hợp lý, không ép não làm việc quá nhiều. Một dấu hiệu chứng tỏ thần kinh có triệu chứng suy nhược dễ thấy nhất trong lúc ôn thi đó là việc TS dễ cáu gắt, nổi giận, tối ngủ không ngon, hay bị nhức đầu…
Những lúc như thế, TS cần sắp xếp lại thời gian biểu giữa các môn học với thời gian nghỉ ngơi hợp lý. TS nên xen kẽ hoạt động trí óc với những hoạt động thân thể như các môn thể thao, đi bộ xung quanh nhà vì những lúc cơ thể hoạt động là lúc não bộ được nghỉ ngơi, cơ thể được tiếp thêm oxy. Với trường hợp quên bài do lo lắng trong phòng thi, TS cần giữ bình tĩnh, hít thở thật sâu, uống thêm nước (có thể là nước đường, trà đường…) để tiếp thêm năng lượng giúp não hoạt động bình thường trở lại.
Ở góc độ tâm lý, ThS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Trưởng bộ môn tâm lý Trường ĐH Sài Gòn phân tích: Trí nhớ của con người được chia ra thành hai vùng cơ bản: trí nhớ dài hạn và trí nhớ ngắn hạn. Trí nhớ ngắn hạn thường chỉ được lưu trong một khoảng thời gian nhất định với sự tác động vào não bộ không nhiều.
Những trường hợp học thuộc bài theo kiểu học "vẹt" sẽ được lưu vào vùng trí nhớ ngắn hạn, chỉ nhớ được trong một khoảng thời gian nào đó rồi sẽ quên. Do đó, để lưu những kiến thức đã học vào vùng trí nhớ dài hạn, TS nên kèm theo hoạt động ôn luyện, học đi liền với hiểu và khi học xong một phần kiến thức nào đó, TS nên ôn luyện lại mỗi ngày để não được cập nhật, ôn luyện lại kiến thức. Những kiến thức được tích tụ đó sẽ được trí nhớ lưu vào để lưu vào "kho" dài hạn, lâu quên hơn. Trường hợp TS chỉ học qua một vài lần, kiến thức đó chưa kịp lưu vào "kho" dài hạn thì rất dễ xảy ra hiện tượng trên. Lúc đó, đầu óc rất khó để lấy lại kiến thức ban đầu đã được "nạp" vào.
Một dấu hiệu chứng tỏ thần kinh có triệu chứng suy nhược dễ thấy nhất trong lúc ôn thi đó là việc TS dễ cáu gắt, nổi giận, tối ngủ không ngon, hay bị nhức đầu.

Bình luận (0)