Tòa soạnThư đi – tin lại

Cách đánh giá HS tiểu học: Lãnh đạo ngành cũng “than”

Tạp Chí Giáo Dục

Lãnh đạo ngành GD-ĐT các tỉnh tại Hội nghị giao ban lần II – Vùng thi đua số 5 tổ chức tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 12-6

“Tôi hình dung, 5 năm nữa – chất lượng giáo dục tiểu học sẽ đi về đâu nếu vẫn tiếp tục thực hiện theo cách đánh giá HS tiểu học như hiện nay (theo thông tư 30 – PV)”. Đây là nhận định của ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước tại Hội nghị giao ban lần II – Vùng thi đua số 5 (gồm 7 tỉnh thành thuộc khu vực Đông Nam bộ), được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sáng 12-6.

Bất cập vì vội vã

Ông Hùng trăn trở: “Chúng ta chuyển từ hình thức đánh giá HS bằng điểm số sang một hình thức khác bằng nhận xét. Lẽ ra bỏ một hệ thống đánh giá đã quen thuộc, GV đã có kinh nghiệm, sang một hình thức đánh giá mới thì mình phải có sự chuẩn bị chu đáo, phù hợp với thực tiễn của các địa phương, vùng miền sao cho hợp lý rồi hãy áp dụng đại trà”. Ông Hùng dẫn giải: “Việc Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu quá trình trên, triển khai thực nghiệm trong ba năm với hơn 1.000 trường nhưng thực tế có cho kết quả tích cực, bởi nông thôn khác thành thị và trình độ của phụ huynh cũng có những nhận định khác nhau. Tại Bình Phước, bình quân một lớp có từ 40 đến 47 HS, thực hiện việc đổi mới đánh giá HS tiểu học, cuối năm nhìn vào nhận xét của GV giữa thị xã với những vùng có đông con em đồng bào dân tộc đã thấy rõ sự khác nhau. Nhưng chủ yếu nhận xét chung chung, na ná giống nhau. Vậy có thực tế?”. Đồng quan điểm, ông Lê Bá Phương – Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận – bức xúc: “Ninh Thuận là một trong những tỉnh, thành gặp rất nhiều khó khăn về mặt địa lý, khí hậu khắc nghiệt, nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Thực hiện việc đánh giá HS, có nhiều GV ở những vùng địa bàn khó khăn của tỉnh khi nhận xét HS rất nghiêm túc, nhận xét kỹ, tuy nhiên phụ huynh HS cũng không để ý, bởi lo chuyện cơm áo hàng ngày đối với gia đình họ đã là một áp lực. Việc học gần như giao phó cho thầy cô giáo, từ ban giám hiệu đến GV, rất vất vả theo cách thực hiện này, nhưng đã là đổi mới, toàn bộ cán bộ quản lý, GV của ngành đều cố gắng thực hiện đúng – nghiêm, với cách “quan tâm” của phụ huynh HS như vậy, chúng tôi làm sao an tâm?”. Lý giải thêm, ông Phương lưu ý: “Đồng bào các dân tộc thiểu số có văn hóa – phong tục riêng, đặc biệt điều kiện về kinh tế rất khó khăn, Bộ GD-ĐT muốn đổi mới cũng cần lưu ý tới khó khăn đặc thù này của các tỉnh, để khi triển khai một việc nào đó, sao cho hợp “lòng dân” thì mới thực hiện được”.

Cùng băn khoăn, ông Nguyễn Thanh Giang – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – cho biết: “Thực hiện theo chủ trương của bộ, theo tôi là rất tích cực, nhưng sau khi bộ thực nghiệm xong cần xem xét trên kết quả thí điểm ấy, đúc rút kinh nghiệm và có sự chuẩn bị thật kỹ rồi mới phổ biến rộng rãi. Nếu làm như vậy thì sẽ không xảy ra tình trạng này, vì hiện tại, sĩ số HS/lớp của chúng ta còn quá đông (bình quân 45 HS/ lớp) để GV biết rõ năng lực của từng em, biết em nào khá giỏi, yếu kém về kỹ năng gì một cách toàn diện và sâu sát được thì quá khó!”.

Theo một số lãnh đạo ngành GD-ĐT các tỉnh Đông Nam bộ, cách đánh giá HS tiểu học hiện nay còn nhiều bất cập. Trong ảnh: Giờ làm toán của HS Trường TH Trương Quyền (Q.3, TP.HCM). Ảnh: N.Trinh

Ông Nguyễn Thành Kỉnh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh – cho rằng: Đánh giá theo cách nhận xét về năng lực của HS thì yêu cầu về năng lực của GV phải cao hơn rất nhiều. Nếu như chúng ta không chuẩn bị các điều kiện tốt, chu đáo, không có tập huấn, hướng dẫn kỹ càng, chi tiết thì rất có thể GV chưa thể nắm bắt được tinh thần cũng như cách làm theo phương pháp đánh giá mới. Họ không theo kịp thì họ làm hời hợt. Mà đánh giá hời hợt thì cũng như chẳng đánh giá gì cả.

Còn nhiều phụ thuộc làm rào cản

Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh chia sẻ: Chúng ta phấn đấu, đổi mới GD-ĐT theo nghị quyết 29 nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng đầy đủ việc đổi mới này; biên chế GV nhiều tỉnh thành phải “đi xin” sở nội vụ, còn duyệt được bao nhiêu phải do “ông” nội vụ quyết định. Thiếu GV để làm công tác quản lý, giảng dạy cục bộ cứ vậy tiếp diễn. Chúng tôi đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT để có sự tham mưu với Chính phủ, tháo nút thắt này nhưng đợi và đợi. “Phân bổ cán bộ quản lý hoặc điều chuyển GV của mình đến trường A, trường B, phòng GD-ĐT có một quyền duy nhất: Kiến nghị với “ông” nội vụ và ông này là người trực tiếp kiến nghị với chủ tịch huyện, thị xã hoặc thành phố ký quyết định. Vậy cán bộ phòng GD-ĐT làm gì?”, ông Nguyễn Thành Kỉnh đặt vấn đề.

Cũng bức xúc về chuyện lệ thuộc quá nhiều trong việc thuyên chuyển GV, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thanh Giang chia sẻ: “Bà Rịa – Vũng Tàu cũng không khác Bình Phước, có nhiều trường thừa GV, chúng tôi muốn điều động họ về trường đang thiếu cũng không được quyền điều chuyển qua mà phải cắt hợp đồng. Sau đó tổ chức xét tuyển lại nếu GV đó đậu, mới được phân công qua trường thiếu, rất nhiêu khê và phức tạp”.

Bài, ảnh: Lê Quang Huy

 

Bình luận (0)